Xây dựng thương hiệu cho nông sản Sơn La
Tính đến giữa năm 2019, tổng số trang trại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 337 trang trại (Trong đó trồng trọt: 40 trang trại; Chăn nuôi: 297 trang trại). Các trang trại này sử dụng 700 ha đất, tạo công ăn việc làm cho 4.624 người (Trong đó lao động thường xuyên: 1.410 người; Lao động thuê ngoài thời vụ ở thời điểm cao nhất trong 12 tháng qua: 3.214 người).
Toàn tỉnh có 452 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (Không tính doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động dịch vụ nông nghiệp), trong đó: trồng cây ăn quả: 216 tổ chức; trồng rau: 38 tổ chức; thủy sản: 74 tổ chức; chăn nuôi: 29 tổ chức; cây lâu năm (chè, cà phê, mắc ca, dược liệu): 45 tổ chức; bảo quản, chế biến nông sản: 36 tổ chức; giống cây trồng và lĩnh vực khác: 14 tổ chức; chăn nuôi: 28 doanh nghiệp, hợp tác xã; thủy sản: 72 doanh nghiệp, hợp tác xã; trồng trọt và lĩnh vực khác: 335 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây tỉnh Sơn La đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương. Đến nay, tỉnh Sơn La có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ.
Trong đó, có 03 chỉ dẫn địa lý, gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu; Quả xoài tròn Yên Châu; Cà phê Sơn La.
13 nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Chè Olong Mộc Châu; Rau an toàn Mộc Châu; Chè Phổng Lái Thuận Châu Sơn La; Nếp Mường Và Sốp Cộp; Cá tầm Sơn La; Cá Sông Đà Sơn La; Cam Phù Yên; Nhãn Sông Mã; Khoai sọ Thuận Châu; Táo Sơn tra Sơn La; Na Mai Sơn; Bơ Mộc Châu; Chuối Yên Châu.
02 nhãn hiệu tập thể, gồm: Mật ong Sơn La; Chè Tà Xùa Bắc Yên.