Xây dựng Thành phố thông minh tại Quảng Ninh: Cơ hội và thách thức
Một góc đô thị TP. Hạ Long |
Xây dựng thành phố thông minh/đô thị thông minh đang là xu thế tất yếu của thế giới và tại Việt Nam. Việc xây dựng thành phố/đô thị thông minh đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện qua các Nghị quyết, Quyết định đã ban hành và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Quảng Ninh xác định việc xây dựng thành phố thông minh hướng tới “Đô thị thông minh bền vững”, ở đó việc ứng dụng CNTT-TT phải hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả trong quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại, tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa xã hội, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”.
Về công nghệ thông tin, Quảng Ninh luôn coi đó là công cụ hữu hiệu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công nghệ phải đạt tới ngưỡng hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả cho chính quyền trong việc phục vụ lợi ích của công chúng, khi đó những lợi ích của công nghệ thông tin mới tiếp cận được tới tất cả người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, việc lựa chọn xây dựng mô hình Thành phố thông minh của Quảng Ninh gặp rất nhiều thách thức, nhưng từ đó lại có nhiều cơ hội để Quảng Ninh có thể đạt được các mục tiêu phát triển đột phá trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Nhiều cơ hội
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, phát triển Thành phố thông minh là một mô hình rất cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như khả năng tiếp cận của Quảng Ninh trong xu thế hội nhập và phát triển.
Với những thành công trong việc xây dựng Chính quyền điện tử (yếu tốt cốt lõi của Thành phố thông minh), Quảng Ninh hoàn toàn có cơ sở lý luận, thực tiễn, cũng như khả năng tiến tới xây dựng mô hình Thành phố thông minh trong giai đoạn hiện nay.
Hiện tại, hơn 60% dân số Quảng Ninh đang sinh sống tại các thành thị, tỷ lệ này mỗi năm lại tăng lên. Cùng với đó, Quảng Ninh có 4 thành phố, 2 thị xã và đang thí điểm xây dựng khu Kinh tế -Hành chính đặc biệt Vân Đồn nên việc xây dựng các Thành phố thông minh là lựa chọn, cơ hội rất lớn của Quảng Ninh trong xây dựng kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Với sự phát triển bùng nổ về công nghệ thông tin, truyền thông, việc sử dụng các công nghệ tiên tiến (IoT, BigData, AI, Cloud,…) là vô cùng cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an ninh xã hội, đồng thời để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hiện nay, Quảng Ninh đang đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại, đa dạng, phong phú có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Trong đó, xây dựng Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN. Điều này, tạo thuận lợi rất lớn cho Quảng Ninh trong việc xây dựng mô hình đô thị thông minh của tỉnh.
Không ít thách thức
Bên cạnh những tiềm năng, cơ hội như trên, Quảng Ninh đã nhận diện và xác định nhiều thách thức trong xây dựng mô hình Thành phố thông minh.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, yếu tố con người là cốt lõi của Thành phố thông minh. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực để triển khai của Quảng Ninh còn thiếu và cần đào tạo, bồi dưỡng. Một bộ phận cán bộ, công chức và người dân còn thiếu thông tin, nhận thức về vai trò, hiệu quả, tính tất yếu phải xây dựng thành phố thông minh.
Cùng với đó, để xây dựng Thành phố thông minh, Quảng Ninh cần có nền tảng về thể chế, khung chính sách, bộ tiêu chí đánh giá, quyết tâm chính trị của chính quyền cũng như hạ tầng công nghệ thông tin và kết nối toàn cầu. Đồng thời, việc phát triển Thành phố thông minh không thể chỉ dựa trên nền tảng công nghệ mà trước hết phải xây dựng được “mô hình quản trị đô thị thông minh”, đảm bảo việc xây dựng và quản trị Thành phố thông minh phù hợp với thể chế, chính sách của nhà nước, tương thích giữa yếu tố công nghệ mới với những đặc thù của địa phương. Do đó, việc tìm ra mô hình quản lý và phát triển đô thị thông minh không chỉ có ý nghĩa trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị và phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước.
Việc này, Quảng Ninh đã và đang nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các thành phố thông minh trên thế giới, cũng như tham vấn các nhà khoa học, đặc biệt các chuyên gia đã có nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài trong việc xây dựng mô hình triển khai, mô hình quản trị đô thị thông minh và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thành phố thông minh đặc thù riêng cho Quảng Ninh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, giao thông, xây dựng,...) chưa đảm bảo hiện đại, đồng bộ, chưa theo kịp đà phát triển của đô thị dẫn đến hạn chế khi đưa công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ mới vào ứng dụng để xây dựng đô thị thông minh. Thực tế trên thế giới, những thành phố thông minh hoàn toàn (Full SC) thành công ở những nơi có đặc điểm sau: Xây dựng hoàn toàn mới, diện tích nhỏ, dân số ít (Songdo; Putrajaya; Singapore, …).
Xây dựng Thành phố thông minh là tạo ra kết nối thuận lợi, hiệu quả giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, do đó sự tham gia của người dân là vô cùng quan trọng, người dân đóng vai trò trung tâm, vừa là người thụ hưởng cũng là người đóng góp xây dựng, phát triển dịch vụ, trong thời gian ngắn hạn việc nâng cao nhận thức, truyền thông cho người dân, doanh nghiệp tham gia vào triển khai, ứng dụng Thành phố thông minh là nhiệm vụ rất khó khăn.
Việc kết nối tất cả các kênh thông tin và lĩnh vực đời sống với nhau trên hệ thống mạng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, hệ thống có thể bị đánh sập toàn bộ, gây thiệt con người và tiền của, tổn hại tới cơ sở hạ tầng nếu hệ thống bị xâm nhập và nhiễm độc. Do đó trong xây dựng mô hình thành phố thông minh, phải cân nhắc kỹ càng vấn đề làm thế nào để bảo vệ hệ thống khỏi các vụ tấn công, phá hoại trực tiếp và tấn công mạng. Ở nội dung này Quảng Ninh rất cần các chuyên gia giỏi về an toàn thông tin mạng giúp xây dựng, triển khai các hệ thống. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm.