Xây dựng nông thôn mới: Tiến tới xóa khoảng cách giữa các vùng miền
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Vẫn có khoảng cách giữa các vùng miền
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) cho biết, xây dựng nông thôn mới hình thành góp phần nâng cao dân trí và kinh tế của vùng, của quốc gia nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới, chênh lệch giữa các vùng miền còn thể hiện rõ. Chênh lệch về giàu nghèo, chênh lệch về chất lượng giáo dục, y tế giữa vùng nông thôn và thành thị vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Trước thực trạng này, đại biểu Yến Linh đã gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ NN & PTNN Nguyễn Xuân Cường. Đại biểu Yến Linh hỏi: Đâu là giải pháp căn cơ? Đâu là giải pháp đòn bẩy để rút ngắn dần sự chênh lệch nêu trên?
Trả lời câu hỏi này, Bô trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong kết quả chung về công tác xây dựng nông thôn mới đến giờ phút này đã hoàn thành được 52,4% số xã, tức là khoảng độ 4.665 xã đạt nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có một nhược điểm ở chỗ tỷ lệ chung là như vậy nhưng vùng miền chung thì rất khác nhau và đang có một khoảng “doãng”.
“Nếu như mục tiêu chúng ta là miền núi và miền xuôi gần nhau thì nếu không điều chỉnh chính sách, không có biện pháp chỉ đạo tiếp tục quyết liệt trong thời gian tới đây thì khoảng doãng ngày càng rộng ra. Ví dụ như Tây Bắc hiện nay chỉ có 26% đến cuối năm nay mới được 28% và vấn đề của Tây Nam Bộ cũng vậy. Đây là một vấn đề đúng. Có một hiện trạng như vậy”, ông Cường thừa nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, đi kèm tỷ lệ thấp hơn như thế thì các thiết chế hạ tầng cũng như hoạt động của các thiết chế hạ tầng xã hội, các thiết chế khác cũng kém hơn. Đây cũng là cái rốn của vùng mà đầu tư công tác giáo dục, y tế sẽ gặp khó khăn.
“Chúng tôi cũng ghi nhận rằng những vùng này vừa lõm về kinh tế, vừa lõm về các mặt khác, văn hóa, xã hội nói chung và đời sống của bà con thấp hơn những vùng khác. Đây là một nội dung trong chính sách 2021-2025 về nông thôn mới, chúng ta phải điều chỉnh, kể cả về mặt chủ trương, nguồn lực và biện pháp chỉ đạo để cố gắng làm sao giảm dần khoảng cách và tiến tới có một sự đồng đều trong phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Giải pháp nào rút ngắn?
Cũng quan tâm đến sự chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, điều này cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp với đặc điểm vùng miền.
“Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, đại biểu Võ Đình Tín nêu vấn đề.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận đánh giá kết quả chung thì vượt cả về số lượng số xã theo mục tiêu đến năm 2020, nhưng có sự mất cân đối giữa các vùng miền.
Theo đó, mặc dù trong chỉ đạo cũng chú ý những vùng miền núi khó khan tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng là kết quả cuối cùng chưa được đồng đều. Điều này là một thực tế, bởi vì các xã miền núi những xã địa hình rất rộng, xã miền núi thì bằng cả một huyện miền xuôi. Hai là thiết chế hạ tầng nói chung các mặt đều thấp kém hơn rất nhiều so với các vùng đồng bằng. Ba là dân cư thưa thớt, nguồn lực tại chỗ ít. Bốn là các nguồn lực huy động xã hội khác không có.
“Ở dưới này (vùng đồng bằng- PV) còn có nhiều doanh nghiệp, còn có các nguồn khác, trên kia làm sao mà có được nguồn đó. Đây là một thực tiễn đặt ra, chính vì thế tới đây chúng ta phải chỉ đạo: Phải phân hạng lại để những vùng miền này phải được ưu tiên nhiều hơn nữa, không chỉ chính sách về kinh tế - xã hội miền núi mà ngay trong chương trình này. Chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ là nay mai xây dựng lại tiêu chí phân bổ; tăng nguồn lực nhà nước; thay đổi bộ tiêu chí, 19 nhóm tiêu chí nay mai cũng phải thay đổi. Đã thay đổi rồi nhưng kỳ này tiếp tục thay đổi và không lấy đơn vị xã, những vùng này phải lấy đơn vị thôn bản, nếu lấy đơn vị xã có nhiều nơi 20 năm nữa cũng không xây dựng được nông thôn mới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ông cũng cho biết thực trạng kết quả không đồng bộ vùng miền có lý do khách quan và hứa tới đây sẽ được sửa đổi khắc phục tình trạng này. Theo đó, ông đưa ra các giải pháp như tăng cường nguồn lực, tăng cường tỷ lệ đối với vùng miền này khác đi, tăng cường các phương thức chỉ đạo khác và đặc biệt là các chính sách để khuyến khích cố gắng.