Xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi phía Bắc: Còn nhiều thách thức
Làm đường nông thôn. |
Khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới
Khu vực miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, chiếm 28,75% tổng diện tích cả nước với trên 30 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa đặc trưng. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Nhưng đây cũng là khu vực có địa hình tự nhiên phức tạp, chia cắt hiểm trở, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển.
Đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%).
Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0% (hoàn thành sớm hơn 1 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Có 7/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên).
Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã.
Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (cả nước có 84 đơn vị). Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên…đã có đơn vị cấp huyện hiện nay hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới trong năm 2019. Tinh thần tự lực của một số tỉnh được nâng lên rõ rệt, khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Một số địa phương có đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới (4 thành phố và 2 huyện) đã tạo động lực phấn đấu cho các địa phương khác, cũng như lan tỏa ra toàn vùng. Những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện có sức lan tỏa rất lớn và tạo động lực phấn đấu trong tỉnh và toàn vùng. Điều này cho thấy xây dựng nông thôn mới hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn.
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình từ 2011-2019 bằng khoảng 15,6% so với cả nước. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh miền núi phía Bắc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2019 tăng gấp 2,66 lần so với giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn I) và chiếm khoảng 36% tổng vốn ngân sách Trung ương của cả nước.
Kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên nhìn chung kết quả xây dựng nông thôn mới còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước. Cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng (82,74%), Đông Nam Bộ (70%), duyên hải Nam Trung Bộ (45,82%), Đồng bằng sông Cửu Long (42,77%), đặc biệt, 5/6 tỉnh có tỷ lệ số xã đạt chuẩn dưới 20% của cả nước nằm ở vùng miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên. Toàn khu vực vẫn còn khoảng 828 xã đạt dưới 10 tiêu chí (chiếm 61,3% của cả nước).
Mục tiêu cho giai đoạn tới
Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra mục tiêu có ít nhất 1 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu...
Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu.Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc cần rà soát và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 nhất là các chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu của các Đề án đặc thù đã Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn sau năm 2020 cụ thể, sát với tình hình thực tế; nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới xây dựng nông thôn mới và một số nội dung của chương trình còn đạt tỷ lệ thấp, để từng bước hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đây được coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của vùng miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.