Xây dựng nông thôn mới: Những hạn chế cần khắc phục
Kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung. |
Vẫn còn chênh lệch vùng miền trong xây dựng nông thôn mới
Kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung và còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền; một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp dưới 20%, như: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum.
Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia, giá trị gia tăng cao.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương...
Chương trình xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu, đến năm 2025, có ít nhất 15 tỉnh, 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt mục tiêu đã đề ra, Ban chỉ đạo các chương trình quốc gia đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch; tạo cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, bao tiêu sản phẩm và lĩnh vực phi nông nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động.
Chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn. Tiếp tục phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa; đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng như làng nghề...; chú trọng nâng cao hơn chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn.
Các địa phương tăng cường phát huy vai trò tự quản, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn và an ninh quốc phòng khu vực biên giới.