Xây dựng nông thôn mới: Khi lòng dân hào hứng
Xi măng được tỉnh cấp và các công trình đang gấp rút hoàn thành tại xã Đông Kinh. |
Người dân hăng hái
Tại địa phương, nhiều gia đình, con em xa quê sẵn sàng đóng góp, ủng hộ quê hương từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí nhiều người hỗ trợ vài trăm triệu đồng hoặc làm cả một đoạn đường cho thôn, cho xã.
Chỉ trong mấy năm trở lại đây, toàn xã đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới hàng chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.
Ông Tùng cho biết hiện nay xã Đông Kinh quyết tâm về đích nông thôn mới năm 2015. Đến nay công tác đã gần hoàn thiện. Hiện xã đang xây dựng trưởng trung học cơ sở và đến cuối năm sẽ hoàn thành nốt đoạn đường liên thông khoảng 1,5 km nữa là xong. Công tác đang triển khai rất khẩn trương.
Huyện đầu tư mỗi xã 500 triệu đồng
Tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, ở xã nào cũng hừng hừng khí thế xây dựng phát triển nông thôn mới. Để về đích nông thôn mới tại huyện, ngoài cơ chế hỗ trợ xi măng cho các xã và đầu tư ngân sách cho một số công trình của các xã phấn đấu về đích nông thôn mới, năm 2014, Đông Hưng đầu tư thêm 400 triệu đồng/xã, năm 2015 nâng lên 500 triệu đồng/xã để thúc đẩy tiến độ xây dựng đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương, đồng thời căn cứ điều kiện cụ thể của từng xã để hỗ trợ xây dựng khu xử lý rác thải tập trung, trường học, trạm y tế...
Đến nay, tổng nguồn vốn huy động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới của huyện là 1.207,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 711,3 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 232,5 tỷ đồng, vốn xã hội hóa, huy động từ nhân dân và vốn tài trợ 263,9 tỷ đồng. Người dân trong huyện đã hiến 750.210m2 đất làm đường giao thông, tự tháo dỡ 10.500m tường bao để mở rộng đường giao thông nông thôn. Các xã đã tiếp nhận và sử dụng 113.684 tấn xi măng hỗ trợ trị giá 138,87 tỷ đồng, 5,53km kênh bê tông đúc sẵn phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn…
Tính từ 2010 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây mới đạt chuẩn 746,5km đường giao thông các loại; nạo vét 57km sông trục, nâng cấp 41 trạm bơm, xây mới 85,2km kênh cấp I. Ngoài 1.053 máy cày tay, toàn huyện đã có 310 máy cày đa năng, tăng 282 máy; 159 máy gặt đập liên hợp, tăng 134 máy so với năm 2010. Đã đầu tư cải tạo, xây mới 418 phòng học, 22 trạm y tế, xây mới 13 trụ sở làm việc của cấp ủy, chính quyền và 8 nhà văn hóa xã…