Xây dựng nông thôn mới: Hiệu quả từ Quỹ hỗ trợ nông dân
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Yên Bái kiểm tra việc thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. |
Nhờ được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều gia đình khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao.
Hiện nay, tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đã đạt trên 16,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương hỗ trợ 9 dự án, 98 hộ vay với số tiền trên 5,1 tỷ đồng; nguồn tỉnh cho vay 12 dự án, 139 hộ vay với số tiền trên 4,8 tỷ đồng; nguồn huyện cho 250 hộ vay với số tiền trên 6,3 tỷ đồng.
Trong 10 tháng năm 2019, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương đã giải ngân cho 3 dự án là: dự án “Chăn nuôi gà thương phẩm” tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên với 15 hộ vay 750 triệu đồng; dự án “Nuôi cá Bỗng thương phẩm” tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên với 10 hộ vay 500 triệu đồng; dự án “Nuôi cá Trắm thương phẩm” tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên với 10 hộ, mức vay 500 triệu đồng.
Nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân 4 dự án là dự án “Trồng và chăm sóc cây quế” tại xã Yên Hợp, huyện Văn Yên với 6 hộ vay 300 triệu đồng; dự án “Trồng chăm sóc cây ăn quả có múi” tại xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên với 10 hộ vay 500 triệu đồng; 2 dự án tại Mù Cang Chải với 12 hộ vay 600 triệu đồng và dự án trồng cam xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn với 10 hộ vay 500 triệu đồng.
Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã thực sự phát huy vai trò bà đỡ cho nông dân. Nguồn vốn này đã giúp hàng trăm hộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Tiến Sơn – Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp MQ, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên cho biết nhờ nguốn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn khác mà các thành viên trong hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng quy mô chăn nuôi 34.000 con gà thịt mỗi lứa. Với thủ tục vay đơn giản, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã góp phần giải quyết được nhu cầu vốn mở rộng sản xuất cho các thành viên trong hợp tác xã”.
Lồng ghép với hoạt động cho vay, Hội Nông dân các cấp đang quản lý 674 tổ tiết kiệm vay vốn, cho trên 23.500 hộ nông dân vay với số dư nợ đạt trên 735 tỷ đồng từ chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho trên 6 nghìn hộ nông dân vay vốn phát triển kinh doanh với dư nợ đạt gần 333 tỷ đồng.
Cùng với đó, các cấp Hội còn chủ động thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan tư vấn hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ hội viên mua vật tư nông nghiệp, máy công cụ, phân bón trả chậm… giúp nhiều hộ hội viên nông dân phát huy hiệu quả đồng vốn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Ông Đỗ Thanh Tùng - Trưởng ban Kinh tế-xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã giúp nhiều hội viên nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình dám nghĩ, dám làm, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân cũng đã góp phần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội”.
Để Quỹ hỗ trợ nông dân trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với nhà nông trong phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục quan tâm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở.
Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn. Đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, định hướng về thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo động lực cho nhiều hội viên đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.