Xây dựng ngôi nhà an toàn tránh tai nạn thương tích cho trẻ em
Từ năm 2011, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra các tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn, thân thiện với trẻ nhỏ, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Hơn 11 năm qua, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công tác này được triển khai rất tốt.
Gia đình anh Đỗ Xuân Hiếu – trú tại phường 8, thành phố Vũng Tàu cho biết ngay từ khi mới xây nhà, anh đã được cán bộ chuyên trách bảo vệ trẻ em của phường tư vấn việc xây nhà như thế nào cho an toàn, ổ điện thiết kế như thế nào để trẻ không thể tiếp xúc được, khu vực bếp, cầu thang, nhà vệ sinh cho đến sân, bậc thềm đều được tư vấn thiết kế theo chuẩn an toàn cho trẻ em.
Nhà anh Hiếu có 3 bé trai, các bé đều hiếu động nên anh luôn chủ động phối hợp với cán bộ chuyên trách để xây dựng căn nhà của gia đình.
Anh Hiếu chọn lan can tay vịn bằng gỗ, song 10 cm để tránh trẻ chui xuống khe song lan can. Bậc thềm cầu thang anh Hiếu cũng chọn bậc rộng, ít độ dốc. Nhà vệ sinh cho đến bậc thềm đều sử dụng gạch chống trơn cho trẻ.
Các đồ gia dụng trong nhà nhất là nhà bếp có nơi cất giữ cẩn thận, kín đáo. Ổ điện anh lắp cao qua đầu của bé. Bàn ghế anh chọn bàn tròn, không có cạnh sắc nhọn.
Các đồ vật, dụng cụ thiết kế trong nhà đều có miếng silicon bảo vệ ở các góc sắc, nhọn. Nhờ đó, vợ chồng anh Hiếu cũng yên tâm hơn khi bố mẹ bận, không quan sát hết được các con.
Tại Phường 8, thành phố Vũng Tàu, hàng năm các cán bộ văn hoá của phường đều đến từng gia đình vận động các gia đình xây dựng ngôi nhà an toàn phòng tránh thương tích cho trẻ.
Hiện nay có 90% các gia đình đạt tiêu chí gia đình an toàn cho trẻ. Thành phố Vũng Tàu đều hướng dẫn gia đình cam kết ký các tiêu chí ngôi nhà an toàn cho trẻ. 33 tiêu chí theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hộ được đánh giá các tiêu chí dễ thực hiện nên các gia đình đảm bảo đủ tiêu chí này khi cam kết.
Nhờ đó, tai nạn thương tích ở thành phố Vũng Tàu đã giảm rõ rệt. Năm 2016, tỷ lệ trẻ em tai nạn thương tích là 1.700 em thì tới năm năm 2020 còn 726 em.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em ở ngôi nhà, có 3 vị trí cha mẹ cần lưu ý.
Thứ nhất lan can, cầu thang, khi xây nhà bạn cần xây lan can an toàn, có lưới an toàn. Cầu thang cần chắn lại để trẻ không bước ra ngoài cầu thang, các lan can cầu thang cần dày để trẻ không chui qua được.
Phải có lưới bảo vệ ở các tầng nhà cao, có cửa sổ trời. Bởi vì nhiều trẻ đu lên lan can và ngã xuống dưới. Vị trí lan can, tay vịn cầu thang luôn là nơi nguy hiểm cho trẻ. Càng té ở độ cao trẻ càng nguy hiểm hơn.
Thứ hai, nhà vệ sinh, bạn không nên để nước ở nhà vệ sinh bởi vì nhiều trẻ đã chết ngạt vì ngã úp sấp mặt vào trong chậu nước ở nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh cũng dễ trơn, trượt khiến trẻ té ngã. Vì vậy, BS Khanh khuyến cáo khu vực nhà vệ sinh cha mẹ nên hết sức cẩn trọng, nên giữ gìn sàn vệ sinh khô, sử dụng gạch chống trơn trượt. Không tích nước ở trong nhà vệ sinh vào thau chậu, thùng lớn. Nếu có phải có nắp đậy tránh trẻ trượt ngã vào có thể gây đuối nước.
Thứ ba, ổ điện, theo bác sĩ Khanh, ổ điện là nơi gây nguy hiểm cho trẻ. Trẻ em thường hiếu động, nghịch ngợm. Nhiều trẻ có thói quen lấy các que chọc chọc vào ổ điện. Nếu đó là một vật dụng dẫn điện thì trẻ có nguy cơ điện giật.
Vì vậy, cha mẹ cần chủ động thiết kế khu vực điện, nước an toàn cho trẻ nhỏ. Xây dựng ngôi nhà an toàn chính là cách để bạn bảo vệ con tránh được các tai nạn thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Các tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn cụ thể được quy định theo quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Người dân có thể dựa theo các tiêu chí này để rà soát lại ngôi nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Ngôi nhà an toàn phải có 33 tiêu chí chia làm 6 nhóm: An toàn xung quanh ngôi nhà, an toàn trong các phòng trong nhà, an toàn về điện, an toàn cầu thang và lan can, an toàn các đồ dùng gia đình và một số quy định an toàn khác.
Khánh Chi