Xã Chà Vàl: Phát triển cây cao su thành chủ lực để thoát nghèo
Từ bao đời nay, người dân xã Chà Vàl (huyện Nam Giang, Quảng Nam) vốn quen sống theo tập tục tự cung tự cấp. Trong sản xuất, người dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số Cơ tu, thường thả rông trâu bò, dê ngoài đồi núi mà không làm chuồng trại.
Người có rẫy thì trồng mỗi năm một vụ lúa và vụ bắp, mùa thu hoạch cũng chỉ đủ ăn. Do đó, cái đói cái nghèo vẫn cứ đeo bám qua nhiều thế hệ.
Thế nhưng từ khi huyện Nam Giang thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 07/12/2011 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2011- 2015, trong đó phát triển cây cao su thành cây chủ lực đã và đang đổi thay thật sự cuộc sống của người dân nơi đây.
Cây cao su phủ xanh bạt ngàn trên nhiều đồi núi |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Zơ Râm Vũ, chủ tịch Hội nông dân xã Chà Vàl cho biết: Việc đưa dự án trồng cây cao su lên xã Chà Vàl là một chủ trương lớn của chính quyền UBND huyện Nam Giang. Với mục đích nhằm tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương rẫy theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao giá trị kinh tế. Hướng tới cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm bền vững cho người dân.
Từ khi nhận được chủ trương triển khai kế hoạch trồng cây cao su, chính quyền phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do bà con vốn từ lâu đã quen với tập quán canh tác nương rẫy, trồng lúa, bắp để nuôi sống gia đình nên họ không chịu giao đất để trồng cao su và tỏ ra phản đối gay gắt chủ trương này.
Trong nhiều cuộc họp, bằng nhiều lời lẽ, ông Zơ Râm Vũ cùng cán bộ nông trường cao su Chà Vàl đã phải thuyết phục “hết mức”, lấy đất nhà mình trồng cho bà con tin.
Ông Zơ Râm Vũ nói: “Để mang lại hiệu quả đồng bộ, không chỉ có Hội Nông dân, mà Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh cũng vào cuộc, xuống tận nhà người dân giải thích cho họ hiểu. Nhiều người bảo lấy đất họ trồng cao su có ăn được không, trồng lúa, trồng bắp mới có mà ăn chứ! Nhưng chúng tôi bảo, trồng cây cao su vẫn có thể trồng lúa xen canh, về lâu về dài, cây cao su phát triển, mình sẽ lấy mủ bán cho nông trường đến tận nơi thu mua. Cây cao su càng phát triển lớn thì cho hiệu quả càng cao, phải tính lâu dài cho con, cháu nữa.”
Được sự thuyết phục của chính quyền địa phương trong công tác tư tưởng, nhiều hộ dân đã yên tâm giao đất. Công tác tiếp theo là của các cán bộ nông trường cao su Chà Vàl, họ phải xuống tận nơi giới thiệu, bày cách ươm cây giống, chăm sóc ra sao cho đúng kĩ thuật. Các cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ đều được nông trường “bao” miễn phí.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Nông trường cao su Chà Vàl cho biết: “Từ năm 2005, cây cao su được trồng thí điểm tại xã Chà Vàl. Lúc ban đầu chỉ có một số người dân tham gia trồng được hơn 250 héc ta tại 4 thôn thì đến nay việc trồng cây cao su đã được người dân hưởng ứng trồng 6/6 thôn với gần 600 héc ta. Cuối năm nay lứa cao su đầu tiên sẽ bắt đầu cho sản phẩm mủ khai thác.”
Trên địa bàn toàn xã có một số hộ tiêu biểu giao đất trồng với số lượng lớn như: Hộ gia đình chị Bling Trời hơn 8 héc ta, Blúp Nheo trồng 7,6 héc ta (thôn A Bát); Hộ Alăng Minh, Coor Nghê trồng 4 héc ta (thôn A Dinh). Ngoài 309 hộ nhận khoán, đã có 45 công nhân cao su là người địa phương với thu nhập bước đầu bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng.
Chị Bling Trời giới thiệu cây cao su sắp lấy mủ tại rẫy của mình |
Chúng tôi đến thăm nhà chị Bling Trời (44 tuổi, thôn A Bát) có số lượng trồng cây cao su nhiều nhất. Đường từ nhà chị đã được bê tông hóa đến tận rẫy, chỉ mất hơn 15 phút là lên trên cao tít ngọn đồi cao gần 100m.
Chị Bling Trời đưa tay chỉ khắp 4 ngọn đồi phủ xanh bạt ngàn bảo: “Đó tất cả là rẫy cao su của mình, để có được thành quả như ngày hôm nay vợ chồng mình phải làm cực khổ rất nhiều năm qua. Lúc trước thì nhà trồng bắp hơn 8 héc ta đất này, thu hoạch mỗi vụ được hơn 20 triệu, ngoài ra cũng có lúa trồng xen vào, ăn đủ, dư dả không bao nhiêu. Từ ngày cán bộ khuyên trồng cao su, nhà mình không trồng bắp nữa, chỉ trồng lúa xen canh vào để lấy gạo ăn thôi. Cuối năm này sẽ lấy mủ lứa đầu tiên rồi, nhà mình mong sẽ đạt hiệu quả cao.”
Khi cây cao su bắt đầu được triển khai trồng, người dân cũng đã thay đổi rõ tập quán chăn nuôi gia súc. Các hộ nuôi trâu bò, dê đã làm chuồng trại để chăm sóc, không thả rông nữa. Mục đích tránh sự phá hoại đối với cây cao su và quản lí tốt hơn để vật nuôi phát triển.
Ông Zơ Râm Vũ bày tỏ: Chúng tôi tin trong tương lai không xa, cùng với việc tập đoàn cao su đầu tư nhà máy chế biến mủ trên địa bàn xã và việc phát triển cây cao su thành chủ lực thì đây sẽ là nguồn thu nhập chính, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm bền vững cho người dân tại địa phương.