WHO ra tuyên bố mới, Bulgaria, Italy và Thụy Sĩ dỡ bỏ các hạn chế Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa các chủng Omicron và Delta vào một nhóm các biến thể Covid-19 “đang lưu hành” cần quan tâm. Trong khi biến chủng Alpha, Beta và Gamma được cho nhóm các chủng “đã lưu hành trước đó”.
Theo giải thích của WHO, tất cả 5 biến thể của Covid-19 đều được phân loại là “các biến thể cần quan tâm” (VOC). Trong 6 tháng qua, lượng lưu hành của Alpha, Beta và Gamma đã giảm đáng kể và trong 90 ngày qua, thực tế không có báo cáo nào về trình tự của các biến thể này. Các chuyên gia của WHO đã quyết định chia các chủng virus cần quan tâm thành hai nhóm.
Biến chủng Delta đã được thêm vào danh mục VOC vào tháng 5/2021, Omicron vào tháng 11/2021, Alpha và Beta vào tháng 12/2020 và Gamma vào tháng 1/2021.
Bulgaria, Italy và Thụy Sĩ dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19. (Ảnh: AP) |
Theo số liệu mới nhất của WHO, hơn 488 triệu người đã mắc Covid-19 trên thế giới kể từ đầu đại dịch, trong đó 6,1 triệu người tử vong.
Mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus dự đoán mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới sẽ giảm theo thời gian. Trong một cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ), WHO đã đưa ra những điều chỉnh chiến lược mà mọi quốc gia cần thực hiện nhằm loại bỏ các tác nhân gây lây truyền virus SARS-CoV-2, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 và chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người tái mắc Covid-19 là do sự xuất hiện của Omicron - biến thể được cho là có khả năng “né tránh” các “hệ thống phòng thủ”, vốn được hình thành từ các lần lây nhiễm cũ. Rất may, hầu hết người mắc Covid-19 lần thứ hai ít khi diễn tiến nặng.
Ngoài ra, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy việc nhiễm Omicron và tiêm vắc xin sẽ giúp cơ thể có sự chuẩn bị tốt hơn chống lại nguy cơ lây nhiễm mới. “Hàng rào bảo vệ” nhờ tiêm chủng và việc từng lây nhiễm trước đó đã giúp ngăn virus xâm nhập sâu vào cơ thể, gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Bulgaria, Italy và Thụy Sĩ dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 từ ngày 1/4
Từ ngày 1/4, Bulgaria và Thụy Sĩ đang dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng được áp dụng trước đó trong bối cảnh sự lây lan của đại dịch Covid-19. Italy cũng đang từ bỏ một số biện pháp hạn chế.
Ở Bulgaria, hôm nay (ngày 1/4) việc bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, giãn cách xã hội, hạn chế tham gia lớp học tại các trường đại học và yêu cầu người sử dụng lao động phải chuyển ít nhất 50% nhân viên sang làm việc từ xa đã bị hủy bỏ. Ngoài ra, lệnh cấm đến các bệnh viện và viện dưỡng lão cũng được dỡ bỏ.
Tại Thụy Sĩ cũng đang hủy bỏ chế độ đeo khẩu trang trong các phương tiện giao thông công cộng và cơ sở y tế, cũng như yêu cầu cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Cho đến mùa xuân năm 2023, các nhà chức trách Thụy Sĩ thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp sẽ bao gồm việc tăng cường cảnh giác liên quan đến Covid-19. Đặc biệt, liên quan đến các biện pháp như xét nghiệm, tiêm chủng và truy tìm tiếp xúc.
Trong khi đó, tại Italy, từ ngày 1/4, tình trạng khẩn cấp được áp dụng cách đây 2 năm đã ngừng hoạt động. Giấy chứng nhận Covid-19 bây giờ là tùy chọn cho phương tiện giao thông công cộng. Đối với máy bay và tàu hỏa, phiên bản “cơ bản” của chứng nhận có thể nhận được sau khi vượt qua quá trình test nhanh là đủ điều kiện.
Đồng thời, quy tắc đình chỉ công việc trong trường hợp không tiêm chủng vắc xin Covid-19 cũng bị hủy bỏ. Các quy tắc cách ly cũng đang thay đổi tại đây khi chỉ người bị nhiễm bệnh mới phải thực hiện cách ly y tế.
Theo Worldometers, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với trên 178,1 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có trên 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với trên 139,3 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận trên 96,5 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là trên 56 triệu ca mắc và trên 1,2 triệu ca tử vong.
Thanh Bình (lược dịch)
Quốc gia đầu tiên ở châu Âu trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng ruble
Theo các phương tiện truyền thông, Ngân hàng Vatican đã thanh toán mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble.