WHO nói gì về hiệu quả của vắc xin Covid-19 Sinopharm và Sinovac trước Omicron?
Vắc xin Covid-19 Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc được cho ngăn người nhiễm Omicron diễn biến nặng, nhập viện và tử vong.
Hôm 4/1, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay hai loại vắc xin Covid-19 phổ biến của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac sẽ giúp người tiêm tránh bị ốm nặng, nhập viện và tử vong do nhiễm biến chủng Omicron.
Đánh giá của Giám đốc quản lý sự cố của WHO là ông Abdi Mahamud được công bố sau vài ngày một vài nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho thấy 3 liều vắc xin Sinovac không sản sinh đủ lượng kháng thể để ngăn cơ thể tránh nhiễm biến chủng Omicron.
Vắc xin Covid-19 Sinopharm của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Một nghiên cứu từ các nhà khoa học ở Đại học Yale, Bộ Y tế Cộng hòa Dominica và nhiều cơ quan khác từng kết luận 2 liều vắc xin Covid-19 Sinovac tiêm cùng 1 liều Pfizer không thể ngăn tình trạng nhiễm Omicron.
Theo ông Mahamud, dù biến chủng Omicron có thể né các loại kháng thể và khiến cơ thể nhiễm bệnh, nhưng bằng chứng cho thấy các loại vắc xin Covid-19 Sinopharm và Sinovac vẫn bảo vệ người tiêm khỏi bị diễn biến nặng, nhập viện và tử vong.
“Hai loại vắc xin này có mức độ bảo vệ nhiễm Omicron khác nhau, nhưng chúng tôi biết cả hai loại vắc xin đều ngăn nguy cơ tử vong. Dự đoán của chúng tôi là hai vắc xin vẫn duy trì khả năng bảo vệ khỏi bị diễn biến nặng, nhập viện và tử vong”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Mahamud.
“Cái bảo vệ nguy cơ bị diễn biến nặng, phải nhập viện và tử vong là phản ứng của tế bào T. Kháng thể trung hòa bị giảm và đó là lúc tế bào T hoạt động. Các loại vắc xin cũng đang làm công việc ngăn chặn và trong đó có vắc xin Sinovac hoặc Sinopharm”, ông Mahamud nói thêm.
Cơ thể con người có nhiều tầng lớp miễn dịch và khi các kháng thể trung hòa không thể ngăn được tình trạng nhiễm bệnh, các tế bào T, một loại tế bào máu trắng, sẽ tấn công những tế bào nhiễm bệnh, từ đó có thể tạo thêm một lớp phòng thủ cho cơ thể.
“Tế bào T duy trì năng lực nhận biết các biến chủng và bảo vệ khỏi nguy cơ bị diễn biến nặng”, ông Mahamud khẳng định.
Những nghiên cứu riêng tại Nam Phi và Hà Lan cũng cho thấy, tế bào T vẫn giúp người tiêm vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA hoặc vector chống lại Omicron.
Vắc xin Covid-19 như Sinovac và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất sử dụng công nghệ bất hoạt truyền thống. Vắc xin Covid-19 Pfizer/BioNTech và Moderna là vắc xin được sản xuất theo công nghệ mới mRNA. Và vắc xin AstraZeneca dùng công nghệ vector.
Do phần lớn các nước đang phát triển bị tụt lại trong cuộc đua nhận vắc xin Covid-19 do những công ty dược phẩm phương Tây sản xuất như Pfizer và Moderna, nhiều nước đã chuyển sang mua vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Cũng theo ông Mahamud, càng có nhiều nghiên cứu cùng chung nhận định biến chủng Omicron ảnh hưởng tới đường hô hấp trên. Chuyện này khác với những biến chủng trước của virus corona vốn gây viêm phổi nghiêm trọng.
Thế giới ghi nhận sự bùng phát trở lại của số ca mới mắc Covid-19 kể từ khi biến chủng Omicron được phát hiện hồi tháng 11/2021. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện và tử vong dường như ở mức thấp hơn so với các làn sóng Covid-19 trước đây.
“Điều chúng tôi đang nhận thấy là sự cách biệt giữa số ca mắc và tử vong”, ông Mahamud kết luận.
Ông Mahamud cho rằng còn quá sớm để nói rằng cần một loại vắc xin Covid-19 chuyên biệt để chống lại Omicron. Cũng theo ông Mahamud, quyết định này cần sự phối hợp của toàn cầu, thay vì để các nhà sản xuất vắc xin tự quyết.
Ông Mahamud nói thêm cách tốt nhất để giảm thiếu tác động của biến chủng Omicron là đạt được mục tiêu tiêm phòng 70% dân số ở mỗi nước tính tới tháng 7/2022, thay vì triển khai tiêm mũi 3 và 4 ở một số quốc gia như hiện tại.
Trung Quốc: Hàng chục quan chức địa phương bị sa thải vì để dịch Covid-19 bùng phát
Hai quan chức quận bị sa thải và hàng chục quan chức khác ở thành phố Tây An bị kỷ luật vì không thể ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Minh Thu (lược dịch)