Vụ thai nhi chết thương tâm: Bệnh viện FV sẽ chọn ai nếu nhiều người cấp cứu?
Vẫn theo bà Tuyết, đến khi sản phụ quay lại bệnh viện vào lúc 20h cùng ngày vì lên cơn đau bụng nhưng tiếp nhận bệnh nhân chỉ có nữ hộ sinh. Trong giấy bàn giao của điều dưỡng ngày 3/11/2013 cũng ghi rõ, 21h50, bệnh nhân được chuyển đến phòng sanh từ phòng cấp cứu với tình trạng cơn gò tử cung đau nhiều, cổ tử cung mở 2cm… chuyển bệnh nhân vào phòng sanh. Đến 21h57 đặt máy monitoring không thấy tim thai, gọi lại cho bác sĩ trực là bác sĩ Đạt, chuẩn bị máy siêu âm, gọi bác sĩ Nhi khám lại cổ tử cung mở 4 – 5cm, đầu bé lọt thấp. Đến 22h10 bác sĩ Đạt cùng bác sĩ Hùng, bác sĩ Huyền có mặt ở phòng sanh. Lúc này, bác sĩ Đạt siêu âm thấy em bé chết lưu trong bụng…
Tuy nhiên trong biên bản họp của FV ngày 4/11/2013 lại ghi: 21h26 bệnh nhân được hộ lý của khoa cấp cứu đẩy xe lăn lên phòng sanh. 21h27 phút, sản phụ được đưa vào phòng sản. 21h42 bệnh viện gọi cho bác sĩ Hùng, 22h10 phút bác sĩ Đạt và bác sĩ Hùng cùng tới phòng sinh.
![]() |
Ảnh chụp màn hình website Bệnh viện FV |
Bà Tuyết cho rằng: “Những thời gian mà điều dưỡng ghi, quy trình họ làm thế nào thì họ mới viết ra, mình không thể tự viết ra được. Còn phía bệnh viện có nói cho xem hệ thống camera nhưng thực tế, chúng tôi chỉ xem được thời gian bắt đầu vào thang máy còn khi vào trong phòng cấp cứu thì hoàn toàn không có gắn camera”.
Bên cạnh đó, gia đình sản phụ cũng bức xúc trước những kết luận của hội đồng chuyên môn. Trong đó có một nội dung ghi: “Gần 100% nguyên nhân tử vong của thai nhi là do nhau bong non” là không thể chấp nhận được. Bởi, nhau bong non là cả một quá trình, trong khi đó gia đình đã đưa sản phụ đến để thăm khám. “Chúng tôi đi từ sáng sớm thì trách nhiệm của bệnh viện là phải theo dõi, dự báo. Nếu có bác sĩ cấp cứu kịp thời thì trường hợp này có xảy ra không?”, bà Tuyết đặt nghi vấn.
Bên cạnh đó, một trong những kết luận của hội đồng chuyên môn ghi: “Không may là bác sĩ trực sản đang thực hiện ca sinh mổ cấp cứu vào thời điểm này được gọi nên không có mặt ngay lúc nhập viện để sản phụ và gia đình yên tâm”.
“Đúng là không may cho gia đình tôi vì bác sĩ trực phải mổ ca cấp cứu nên phải hy sinh cháu tôi? Trong một kíp trực, bác sĩ không thể nói được có 1 hay 2 bệnh nhân sanh. Nếu 2, 3 bệnh nhân vào cùng một lúc thì bệnh viện FV sẽ hy sinh ai để cứu ai đây? Kết quả dẫn đến trường hợp con chúng tôi bị tử vong. Bệnh FV cũng nói là bệnh lý nhau bong non cũng rất nguy hiểm cho người mẹ nếu không lấy đứa con ngay ra. Vậy lúc đó cũng không có bác sĩ trực thì phải làm sao? May mắn là Mai Chi thoát chết chứ không biết sẽ thế nào”, bà Tuyết bức xúc nói.
Hơn nữa, trong quá trình, gia đình không cho mổ tử thi nhưng vẫn yêu cầu niêm phong lại bánh nhau để xét nghiệm nguyên nhân tử vong nhưng bệnh viện đã đơn phương gửi mẫu nhau đi Băng Cốc – Thái Lan mà không thông báo cho gia đình.
“Làm sao chúng tôi biết kết quả bánh nhau đó có phải là của cháu chúng tôi? Tại sao không gửi đến các bệnh viện sản phụ trong nước mà phải gửi tận sang nước ngoài?”, bà Tuyết nói.
Anh Lê Ngọc Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi vào bệnh viện để tìm chuyên môn giỏi chứ không phải nhận được điều đau lòng là con tôi mất”.
Cũng theo anh Thắng, lẽ ra phía bệnh viện cũng nên kiểm điểm lại kíp trực ca sản phụ Mai Chi vào ngày 3/11. Bởi theo anh Thắng, "giả dụ, dù kíp trực hôm đó có đúng quy trình đi chăng nữa thì bệnh viện cũng phải xử lý kíp trực để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, họ chỉ tìm mọi cách vin vào cớ nhau bong non để lẩn tránh việc làm tắc trách của mình".
Infonet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến của vụ việc này...