Vụ nữ sinh bị trói: Phía siêu thị vi phạm nghiêm trọng Quyền trẻ em
Ngay từ cuối tuần, trên cộng đồng mạng lan tràn hình ảnh một nữ sinh còn đeo khăn đỏ, tay bị trói vào lan can siêu thị, trên người đeo tờ giấy nội dung: “Tôi là người ăn trộm”. Các báo đã tung người đi xác minh thông tin. Hiện nay, thông tin được xác minh là có thật, xảy ra tại Siêu thị Vĩ Yên, huyện Chư Sê (Gia Lai). Như vậy có thể nói đây là một trong những vụ xâm hại quyền trẻ em nghiêm trọng và gây phẫn nộ nhất từ trước đến nay. Để có thông tin về quan điểm của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng – Ủy viên Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về vấn đề này.
Theo bà Hồng, bức ảnh này đã vi phạm Luật bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em. Vì đối với trẻ em nói chung thì dù là trẻ vi phạm pháp luật vẫn là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Bà nhấn mạnh: “Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ, các em còn non nớt về thể chất và trí tuệ. Cho nên khi các em có những việc làm sai thì đó không chỉ là do lỗi của các em mà còn do sự thiếu quan tâm, giáo dục từ phía gia đình, do ứng xử của xã hội, do việc giáo dục của các thầy cô giáo trong trường học tác động đến hành vi của em”.
Nữa sinh bị trói, đeo biển tôi là người ăn trộm |
Bà kiên quyết phản đối hành động này: “Kể cả các em có sai, nhưng biện pháp được áp dụng để giáo dục em trong trường hợp này là trói tay lại và treo biển đề “tôi là người ăn trộm” như thế là nhục mạ, là sai phạm, chúng ta không được phép làm như thế”.
Bà Ninh Thị Hồng, UV Thường trực Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam (ảnh Hồng Chuyên) |
Bà Ninh Thị Hồng cũng khuyến cáo những đơn vị gặp trường hợp trẻ em vi phạm quy định, phạm pháp cần phải bình tĩnh, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là liên lạc với gia đình của em, nếu đang trong giờ đi học thì phải liên hệ với thầy cô giáo.
Đặc biệt, khi tiến hành hỏi cung các em phải tuân theo quy định của pháp luật. Nghĩa là khi tiến hành hỏi cung trẻ em có hành vi vi phạm, phải có người giám hộ giúp em, ngồi bên cạnh để nghe em nói, nghe em trả lời. Và nếu em làm hỏng vật gì đó thì vẫn còn có người lớn như bố mẹ sẽ giúp em đền bù những thiệt hại. Đó là quy định của Luật bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng khẳng định: “Khi xác định được tên tuổi của em bé đó là gì và địa chỉ siêu thị đó ở đâu chúng tôi sẽ ngay lập tức có văn bản gửi đến công ty quản lý siêu thị đó. Trên tinh thần yêu cầu xử lý nghiêm minh và rút kinh nghiệm cho nhiều người”
Qua sự việc đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng sẽ lên tiếng rộng rãi để cho những nơi khác biết được rằng làm như thế là vi phạm.
Nói thêm về những hậu quả có thể xảy ra đối với trẻ em trong trường hợp bị xâm hại, bà Ninh Thị Hồng chia sẻ: “Trẻ em rất non nớt chưa có kinh nghiệm sống nên ứng xử với các em phải hết sức tế nhị và thận trọng”.
Theo bà Hồng tính cách mỗi em là khác nhau, có những em nhút nhát thì cần phải nâng đỡ, giúp em vượt qua việc này. Còn đối với những em đã chai lỳ thì phải có một hình thức khác nhưng nhìn chung trẻ em là một người phát triển chưa toàn diện cho nên đối xử với các em cần thận trọng , đặc biệt là những em gái. Tất cả nhằm mục đích giúp cho trẻ trở thành người tốt, có ích chứ không phải đề trừng phạt trẻ”
Trao đổi với Phóng viên Infonet, Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư Tp HCM) khẳng định: “Trước mắt, hành động những người trói, treo biển “tôi là người ăn trộm” đã cấu thành tội làm nhục người khác theo điều 121 Bộ Luật Hình sự hiện hành. Đối tượng trẻ em là đối tượng đặc biệt được xã hội bảo vệ. Do đó, cha mẹ, người giám hộ của nữ sinh này cần gửi đơn đến cơ quan công an để yêu cầu điều tra làm rõ hành vi làm nhục nữ sinh nói trên.
Ngoài ra, nếu không chứng minh được hành vi ăn trộm của nữ sinh kia mà lại có hành vi bắt trói, cũng có thể cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật.
Để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em, nhằm giáo dục người dân hiểu về trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em của mỗi người dân, các cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cần nhanh chóng vào cuộc".
Trước khi bài báo này được xuất bản, PV Infonet tiếp tục gọi điện đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, được biết Hội đang gấp rút soạn công văn gửi đến cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em Trung ương và địa phương để yêu cầu làm rõ hành vi xâm hại trẻ em của siêu thị kể trên.