Vụ nam sinh mất tích rồi tử vong: Tôi không để con lơ ngơ vào thành phố một mình
Tôi không an tâm “thả” các cháu một mình vào TPHCM trong những năm tuổi mười tám còn lơ ngơ, kỹ năng sống, giao tiếp còn nhiều thiếu sót.
Có con đậu vào đại học ở thành phố lớn là điều vui mừng và cả lo lắng cho bất kỳ người làm cha mẹ nào ở tỉnh lẻ.
Vụ việc em N. mất tích rồi tử vong khi vào TPHCM nhập học gây xôn xao dư luận |
Tôi nhớ lại ngày xưa, năm 1977, khi tôi có giấy báo trúng tuyển đại học, đầu tiên mẹ tôi phải bán một con heo để làm lộ phí cho tôi đi học. Sau đó là sắm sửa quần áo, cắt hộ khẩu...
Đêm cuối cùng ở nhà, hai mẹ con gần như thức trắng. Mẹ dặn dò nhiều lắm, nhưng tuổi trẻ háo hức mơ về một chân trời đang rộng mở, lời mẹ không “lọt tai” tôi bao nhiêu, tôi chỉ mong đến sáng, được leo lên xe đò. Mấy chục năm sau tôi mới hiểu ra đó là mẹ lo lắng khi tôi một mình “thân gái dặm trường” từ Nha Trang vào Sài Gòn.
Lúc ấy, anh trai tôi đang học ở Sài Gòn nhưng thời đó không có điện thoại liên lạc; thư đi tin lại phải mất hàng tháng trời. Vậy nên sau một ngày trên xe đò, đến nơi anh tôi cũng không biết mà ra đón, tôi phải bắt xích lô đạp về nhà người dì ruột. Đến mức, ra mở cửa, anh tôi ngạc nhiên lắm khi biết tôi đậu đại học.
Thật ra, việc vào thành phố một mình khi ấy đối với tôi không phải lần đầu. Tôi có ba lần tự thân vận động: lần đi nộp đơn, lần đi thi và lần thứ ba là nhập học. Nhớ lại, tôi thấy bình thường bởi xã hội không phức tạp như bây giờ.
Do vậy, khi các con tôi vào đại học thì chính tôi là người đưa các cháu đi thi, nhập học… Tôi không an tâm “thả” các cháu một mình vào TPHCM trong những năm tuổi mười tám còn lơ ngơ, kỹ năng sống, giao tiếp còn nhiều thiếu sót.
Tuy nhiên, tôi biết có nhiều gia đình thôn quê không có điều kiện, đành phải để con tự đi. Cuộc sống có người này, người kia. Nếu có những người mạnh mẽ, cứng rắn, can đảm, thì không thiếu những người yếu đuối, ủy mị, sợ sệt, hay mất bình tĩnh... Nếu có những thanh niên dạn dĩ, không chỉ đi học xa một mình mà còn tự đi du lịch, khám phá… thì cũng có những em nhút nhát, khó hòa đồng vào tập thể, khó hòa nhập nhanh vào môi trường mới. Do vậy, cha mẹ phải là người biết rõ con mình nhất để chủ động trong việc hướng dẫn con cái vào đời.
Việc một em nam sinh viên bị mất tích rồi tử vong và sự việc đang trong vòng điều tra là một vấn đề cần đặt ra nhiều dấu hỏi. Tại sao trong một thành phố lớn, mọi thứ đều có camera quan sát mà em lại biến mất để cuối cùng tìm thấy thi thể em trên sông?
Tại sao em không chờ người chị họ đến đón mà tự bắt xe ôm rời bến xe? Qua theo dõi tin tức, tôi biết được em là một học sinh khá, tuy nhiên, học khá không có nghĩa là em có kỹ năng sống tốt, nhưng ít ra em phải biết suy luận và lường được những bất trắc có thể xảy ra. Quá nhiều câu hỏi trong khi chờ các cơ quan chức năng điều tra và công bố kết luận.
Hiện trường nơi cơ quan điều tra đưa ra thi thể của em N. vào bờ |
Tôi nghĩ, một vấn đề đặt ra cho tất cả các bậc cha mẹ là dứt khoát nên đưa con cái, hay nhờ người thân đi cùng các em khi đến thành phố lớn lần đầu, dù bất kỳ hoàn cảnh nào.
Sẽ có người đặt câu hỏi, cha mẹ “úm” như vậy đến khi nào con mới lớn? Xin thưa, đó là điều cần thiết cho đến giai đoạn con chim non vừa rời tổ ấm. Thời gian qua nhanh lắm, đó còn là kỷ niệm sau này, dù thành công hay thất bại các em cũng sẽ nhớ và lấy đó làm hành trang vào đời.
Lại một câu hỏi nữa là, tại sao trong khi có rất nhiều em ở độ tuổi 16, lần đầu tiên, một mình vượt đại dương đi học ở các nước xa xôi, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, khác biệt khí hậu, tập quán… không có cha mẹ đi cùng mà cha mẹ ở Việt Nam vẫn an tâm?
Câu trả lời có lẽ nhiều người cũng biết, đó là hành trình của các em đều được kiểm soát chặt chẽ từng khâu một. Quá cảnh nơi nào, đến đâu, ai đón… cha mẹ đều có thể theo dõi qua máy tính. Là tiện nghi của công nghệ số mà con người hôm nay được hưởng.
Gầm cầu Bình Lợi, khu vực phát hiện thi thể của em N. Kết luận ban đầu của cơ quan công an là em N. tử vong do ngạt nước |
Quan điểm của tôi: đừng buông tay con khi mà cha mẹ chưa an tâm. Dù khó khăn thế nào cũng hãy cố đi cùng con một quãng đường đời, đó là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được. Lời hối tiếc bao giờ cũng muộn màng.
Lời khai của tài xế xe ôm chở nam sinh viên mất tích bí ẩn ở TPHCM
Rời khỏi Bến xe Miền Đông khoảng 2km, nam sinh viên yêu cầu xuống trước cổng trường đại học trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nên ông M. dừng xe rồi tiếp tục công việc.
Theo www.phunuonline.com.vn