Vũ khí mới nhất của Nga có thể khiến Ukraine thay đổi kế hoạch phản công
Theo Telegraph, 11 quả bom lượn mà các chiến cơ Nga thả vào đêm 24/3 đã xác nhận các báo cáo rằng, không quân Nga đang thích ứng với tình hình mới.
Các quả bom lượn được gắn thêm cánh để tăng thêm tầm hoạt động, bay thấp và đủ xa để tránh được một số hệ thống phòng không. Bom lượn của Nga đã gây chú ý sau khi một chiến cơ nước này vô tình thả một quả xuống thành phố Belgorod, gây hư hại cho một tòa nhà và làm 3 người bị thương.
Phát ngôn viên Không quân Ukraine - Đại tá Yuriy Ihnat nói, bom lượn tạo ra một mối đe dọa rất nghiêm trọng. Với việc áp dụng công nghệ lượn, tầm hoạt động của loại bom này được tăng lên, đồng nghĩa với việc máy bay Nga có thể tránh được những chuyến xuất kích mạo hiểm gần tiền tuyến.
"Hiện tại, quân Nga đang sử dụng máy bay chiến thuật cho các nhiệm vụ chiến đấu dọc biên giới, ở tiền tuyến và khu vực bờ biển. Tại những khu vực đó, lực lượng Nga đã sử dụng rất nhiều bom lượn trong một tháng qua".
Đoạn video ghi lại cuộc tấn công của Nga được cho là dùng bom lượn KAB-1500S-E
Các quan chức Ukraine ước tính, không quân Nga đã thả ít nhất 20 quả bom lượn mỗi ngày trên chiến trường.
Trong khi phương Tây đang chờ đợi cuộc phản công mùa xuân của Ukraine, thì các nhà phân tích ở Kiev và phương Tây bắt đầu cho rằng việc Nga sử dụng loại vũ khí mới có thể khiến Kiev phải thay đổi kế hoạch tác chiến vào phút chót.
Điểm cơ bản nhất của bom lượn chính là nó được sửa đổi, có gắn thêm cánh và hệ thống điều hướng cho phép thiết lập đường bay tới mục tiêu. Có vẻ như bom lượn, rẻ hơn và dễ sản xuất hơn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, đã trở thành vũ khí được lựa chọn của Nga.
Thông số kỹ thuật và khả năng của mỗi loại bom lượn khác nhau đáng kể. Một số loại có phạm vi hoạt động lên tới 120km và bắn trúng mục tiêu trong bán kính 10m. Tuy nhiên, quân đội Nga được cho là đang sử dụng loại bom lượn có tầm bay từ 50km tới 72km.
Bất kể là bom lượn hiệu quả như thế nào thì loại vũ khí này có thể mang lại cho các phi công lái máy bay chiến đấu của Nga khả năng sử dụng sức mạnh trên không một cách hiệu quả để gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên mặt đất.
Theo các thông tin tình báo mà Ukraine thu thập được, hầu hết các cuộc tấn công bằng bom lượn đều được thả từ bên trong lãnh thổ Nga. Khi đó, máy bay chiến đấu của Nga có thể quay đầu để tránh bay vào phạm vi phòng không của Ukraine.
Theo Đại tá Ihnat, đôi khi Ukraine có thể đánh chặn tên lửa đất đối không S-300 nhưng việc chặn những quả bom lượn này lại là một vấn đề.
Các chuyên gia quân sự nhận xét, bom lượn phản hồi với radar ít hơn so với vũ khí tầm xa thông thường, khiến Ukraine khó theo dấu. Radar không phải lúc nào cũng phát hiện được các vật thể bay ở độ cao thấp và kích thước bé nhỏ của bom lượn khiến chúng khó nhìn thấy trên radar hơn.
Thêm vào đó, các kỹ thuật chống radar và gây nhiễu điện tử mà Nga triển khai khiến Kiev chỉ có một khoảng thời gian giới hạn để nhắm vào các quả bom khi chúng lộ ra.
Hoài Linh