Vốn tín dụng cho đồng bào DTTS: Một số chương trình còn bố trí vốn chậm
Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2018, vốn tín dụng chính sách xã hội trong khu vực đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo.
Trong đó có trên 236 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 123 nghìn lao động. Giúp trên 32 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập. Ngoài ra, xây dựng hơn 784 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 19 nghìn căn nhà ở...
Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2016-2018 vẫn còn một số tồn tại, khó khăn.
Cụ thể như, một số chương trình tín dụng chính sách theo các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mặc dù đã có hiệu lực nhưng chưa được ngân sách Nhà nước bố trí vốn kịp thời, tạo áp lực đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trước nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương.
Trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); Chương trình cho vay đối với Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975 theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP…
Cũng theo Ngân hàng Chính sách xã hội, tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số mới chỉ dừng lại ở một số chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.
Hơn nữa, hộ dân tộc thiểu số thụ hưởng các chương trình tín dụng với mức vay tối đa và thời gian vay như hiện nay (50 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 5 năm) chưa tạo tác động chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực dân tộc thiểu số.
Vì vậy, theo Ngân hàng Chính sách xã hội, để việc triển khai cho vay tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn, đề nghị Quốc hội quy định một tỉ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách được kịp thời, nhất là các chương trình tín dụng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, Ủy ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội đảm bảo vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.
Chính phủ, các Bộ ngành bố trí đủ nguồn lực, bảo đảm cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách khác.
Hàng năm, bố trí dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp cho các chương trình, bảo đảm đủ vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Bổ sung thêm đối tượng được vay vốn tại NHCSXH: Mở rộng đối tượng hộ dân tộc thiểu số có mức sống trung bình (không giới hạn hộ dân tộc thiểu số nghèo) được vay vốn, với mức vay có thể đến 100 triệu đồng/hộ, với thời gian dài hơn (trên 10 năm) để phù hợp dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong vùng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, cần xây dựng Quỹ khuyến nông, hỗ trợ khoa học kỹ thuật dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động kết hợp với hoạt động hỗ trợ vốn tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cho vay; Xây dựng Quỹ khởi nghiệp dành cho thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số.