Vĩnh Phúc nói không với thuốc lá trong môi trường học đường
Cùng với sự chỉ đạo, tổ chức và truyền thông rộng khắp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh, Ban chỉ đạo cơ quan Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng vào cuộc quyết liệt để phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn ngành giáo dục.
Tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho học sinh (ảnh minh họa) |
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục (trừ các trường cao đẳng, đại học, học viện), các khu nuôi dưỡng, chăm sóc, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em... là nơi cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá. Từ năm học này, ngành GD&ĐT không còn thực hiện thí điểm mô hình trường học không khói thuốc lá tại một số đơn vị, nhà trường, mà yêu cầu các đơn vị, trường học cùng đồng loạt triển khai thực hiện.
6 tiêu chí phòng chống tác haijc ủa thuốc lá mà tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện bao gồm:
1. Có niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại.
2. Có bảng/biển báo cấm hút thuốc lá khu vực phòng học, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang, các khu vực công cộng và khu vực chức năng khác.
3. Có kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường học đường không khói thuốc lá của đơn vị mình.
4. Đưa nội dung không hút thuốc lá vào tiêu chí bình xét thi đua cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.
5. Không có hiện tượng hút thuốc (thể hiện qua mùi khói thuốc, đầu mẩu thuốc lá, vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn…) trong lớp học, phòng làm việc và toàn bộ khuôn viên nhà trường.
6. Không có hiện tượng mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá; nhận sự hỗ trợ, tài trợ của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào trong nhà trường.
Chia sẻ với PV, một số học sinh tâm sự: "Chúng em xem hút thuốc lá như một thú vui, thú tiêu khiển vô hại:. Các em không hề biết rằng tương lai của các em đang mờ tan dần theo khói thuốc.
Các bác sĩ cho rằng trẻ em hút thuốc sớm sẽ học kém hơn. Bệnh thường thấy rõ nhất là viêm đường hô hấp mãn tính hay người ta còn gọi là gây khó thở trường kỳ tắt nghẽn đường hô hấp không phục hồi được. Ngoài ra, khói thuốc lá còn là nguyên nhân của nhiều bệnh như: ung thư phổi, ung thư vùng hầu. Thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn, lượng nicôtin trong thuốc lá dự trữ trong cơ thể càng cao”.
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng tăng cao là do môi trường. Các em thường bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là người biết “chơi”, ảnh hưởng bởi kết quả học tập, hoàn cảnh gia đình… Cũng vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào. Với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần dần trở thành thói quen.
Thuốc lá rất dễ nghiện nhưng đã nghiện lại rất khó bỏ. Các em học sinh cũng chưa hình dung hết khi đã nghiện thuốc lá không những phải mang theo suốt đời gánh nặng bệnh tật mà còn mang theo suốt đời gánh nặng kinh tế.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá cho thấy, số tiền người dân bỏ ra mua thuốc lá năm 1998 là 5.000 tỷ đồng; đến năm 2002 đã là 10.400 tỷ đồng; năm 2007 là 14.000 tỷ đông. Số tiền đó gần bằng số tiền chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục tính theo đầu người.
Theo điều tra của WHO về hút thuốc ở lứa tuổi học đường thì nam học sinh là 6,5%, nữ học sinh là 1,2%. Như vậy, cứ 100 học sinh, quân bình có từ 7 đến 8 em hút thuốc, chỉ thế cũng đã đủ làm ô nhiễm mà hàng trăm em đang hít thở. Chính vì vậy mà các nhà trường cần chú trọng giáo dục học sinh, ngăn chặn sớm tệ nạn hút thuốc lá.
Để tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá của các đơn vị trực thuộc, bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ triển khai công tác phòng, chống tác hại thuốc lá thuộc đơn vị mình quản lý.
Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá tại các đơn vị cơ sở. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực thi các quy định của pháp luật về trưng bày, bán thuốc lá, quảng cáo, tiêp thị, khuyên mại, tài trợ... theo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trong đơn vị, trường học và khu vực xung quanh đơn vị, trường học.
Trường hợp có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh vi phạm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá phải nghiêm túc xử lý theo qui định của Ngành và của đơn vị. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.