Vĩnh Long: Bài học kinh nghiệm khi xây dựng nông thông mới tại TX. Bình Minh
Trung tâm hành chính thị xã Bình Minh. Ảnh:Bùi Thụy Đào Nguyên |
Thị xã Bình Minh là địa phương nằm dọc sông Hậu, ở phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Long, trên tuyến hành lang kinh tế đô thị quan trọng của quốc gia và quốc tế như tuyến quốc lộ 1A nối thành phố HCM và thành phố Cần Thơ, cách thị xã Vĩnh Long khoảng 30km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 166 km về phía Đông Bắc, cách thành phố Cần Thơ khoảng 5km về phía Nam.
Qua 7 năm nỗ lực thực hiện các giải pháp, ngày 15/12 vừa qua, Hội đồng thẩm định đã chính thức quyết định công nhận thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Quá trình thực hiện đã giúp lãnh đạo thị xã và các cá nhân thực hiện rút ra được những kinh nghiệm quý báu khi triển khai thực hiện chương trình. Những kinh nghiệm này không chỉ giúp cho các địa phương khác trong tỉnh mà còn có thể giúp nhiều tỉnh bạn rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí trong quá trình hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Cụ thể, trong thời gian này, thị xã thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, tập huấn kiến thực về xây dựng nông thôn mới như phân công cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng nông thôn mới 20 đợt, với 275 lượt người dự. Đồng thời Ban chỉ đạo thị xã tổ chức tập huấn 15 lớp cho cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân tại 05 xã có 545 người dự.
Thị xã cũng xác định việc lập quy hoạch là khâu quan trọng then chốt. Ngay từ khi triển khai Chương trình, UBND thị xã đã thuê cơ quan tư vấn (Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng Vĩnh Long) lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cơ sở quy hoạch chi tiết của các xã đã được phê duyệt. Tổ chức thẩm định đồ án quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 cho các xã trong năm 2011 và lựa chọn ưu tiên xã điểm trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời phân công các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phụ trách theo lĩnh vực chuyên môn ngành, bám sát cơ sở chỉ đạo và tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời. Tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh thị xã, hệ thống loa phát thanh các xã về mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân, xác định xây dựng nông thôn mới là công việc thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị; là mục tiêu và trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân toàn thị xã.
Ngoài ra còn triển khai phát động mạnh mẽ phong trào “Thị xã Bình Minh chung sức xây dựng nông thôn mới” với những nội dung thiết thực làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn. Hàng năm, tổ chức phát động và ký cam kết thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới với các tổ chức đoàn thể thị xã, các xã; kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị,... ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới.
Sau 7 năm, Thị xã đã ban hành hơn 150 loại văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn, cơ chế chính sách, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ... để làm cơ sở áp dụng thực hiện, đồng thời để đôn đốc, kiểm tra, đánh giá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác. Định kỳ hàng quý, hàng năm tổ chức họp đánh giá kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện để đạt được kết quả cao hơn trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh việc ban hành các Nghị quyết, Thị xã còn đưa ra nhiều Quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong đó có lồng ghép thực hiện chương trình Nông thôn mới như: Năm 2014, Thị xã hỗ trợ cho xã Đông Thạnh phấn đấu về đích sớm xã đạt chuẩn nông thôn mới với số tiền 5 tỷ đồng để xây dựng mới các công trình nhà văn hóa cụm ấp, trường học, đường liên ấp, thủy lợi.
Năm 2015, thị xã hỗ trợ 10 tỷ đồng cho xã Đông Thành đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa xã, cụm ấp, trường học, đường liên ấp.
Năm 2016, thị xã hỗ trợ 15 tỷ đồng cho 2 xã Mỹ Hòa và Thuận An đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa xã, cụm ấp, trường học, đường liên ấp.
Năm 2017, thị xã hỗ trợ 8 tỷ đồng cho xã Đông Bình đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa xã, cụm ấp, trường học để hoàn thành tất cả các công trình phục vụ Chương trình Nông thôn mới.
Ngoài ra, thị xã ban hành các kế hoạch phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân tại các xã như: hỗ trợ trong sản xuất nông – ngư nghiệp, hàng hóa, trong đó nổi bật là các cơ chế hỗ trợ phát triển các vùng rau an toàn phát triển bền vững gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm: hỗ trợ chi phí khảo sát địa hình, xây dựng hạ tầng rau, tập huấn, hội thảo, xây dựng và phát triển thương hiệu giúp gắn kết người dân và doanh nghiệp.
Trong công tác truyền thông, tuyên truyền, thị xã đã tập trung tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và trách nhiệm của các cấp chính quyền. Đến nay, Thị xã đã thực hiện được 78 phóng sự, 182 tin, 105 bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, gần 100 loại pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về chương trình Nông thôn mới. UBND Thị xã đã tổ chức cho lãnh đạo 5 xã đi học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại 2 tỉnh bạn lân cận.
Ngoài ra, các xã đã tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số xã trong Tỉnh. Tổ chức đào tạo, tập huấn 2.950 cuộc với 82.725 lượt người tham dự.