Việt Nam nỗ lực cùng ASEAN chống đánh bắt cá trái phép
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên ASEAN đã không ít lần rơi vào căng thẳng sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ban bố lệnh trừng phạt đối với hoạt động "Đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được kiểm soát" (IUU).
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam hy vọng thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN nhằm giải quyết bất đồng giữa EU – ASEAN đồng thời thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa hai bên.
Việt Nam hy vọng với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có thể đẩy lùi hoạt động đánh bắt trái phép. (Ảnh minh họa) |
Thẻ vàng
Đối với các nước Đông Nam Á, EU là một thị trường quan trọng chuyên nhập khẩu các mặt hàng hải sản có giá trị cao, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do các chế tài và kéo các bên liên quan vào vòng xoáy căng thẳng.
Mặc dù, thị phần nhập khẩu hải sản từ các nước Đông Nam Á còn thấp nhưng khu vực này lại là nơi bị EC nhiều lần áp đặt lệnh trừng phạt. Theo đó, EC nhiều lần thi hành lệnh trừng phạt đối với các mặt hàng hải sản xuất khẩu từ Đông Nam Á do vi phạm IUU như phạt “thẻ đỏ” và “thẻ vàng” để chấm dứt hoạt động nhập khẩu hải sản từ khu vực này.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, các mối quan hệ thương mại ASEAN – EU đang đối mặt với không ít khó khăn. Căng thẳng thương mại giữa EU với Indonesia và Malaysia cùng với lệnh trừng phạt “thẻ vàng” đối với Thái Lan, Việt Nam và Philippines cùng “thẻ đỏ” với Campuchia liên quan tới IUU đã tạo ra khung cảnh ảm đảm cho quan hệ thương mại ASEAN – EU.
IUU được biết tới là chương trình chống lại các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Vào năm 2002, EU ban hành IUU trên cơ sở triển khai “Kế hoạch hành động quốc tế” của Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) năm 2001, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá vi phạm IUU.
Mục đích mà IUU hướng tới là phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Theo quy định IUU, các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức thấp nhất là gấp 5 lần giá trị của sản phẩm sai phạm, gấp 8 lần giá trị cho các trường hợp tái phạm trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, luật cũng đưa ra các biện pháp xử phạt khác kèm theo như tịch thu tạm thời tàu đánh bắt cá vi phạm.
Nhận thức rõ những tác động tiêu cực từ IUU đối với môi trường và kinh tế, ASEAN đang tăng cường nỗ lực để ngăn chặn vấn đề này. Nói chung, để giải quyết vấn đề IUU, các nước thành viên ASEAN cần chú trọng tới những biện pháp để bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên cá, thống nhất cơ sở pháp lý về bảo vệ môi trường và nghề cá cũng như minh bạch các chính sách hàng hải quốc gia, hợp tác trong khu vực và sự đóng góp từ các tổ chức quản lý đánh bắt trong khu vực.
Hồi tháng 4/2019, Thái Lan đã chủ trì một cuộc họp ASEAN với EU nhằm đưa ra những nỗ lực chống khai thác IUU. Tại cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Thái Lan cũng đã đưa ra sáng kiến thúc đẩy vai trò của các lực lượng vũ trang và các ban ngành liên quan tới IUU đồng thời nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam và Philippines.
Bởi IUU không phải là vấn đề có thể giải quyết đơn phương. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (2020 – 2021), Việt Nam hy vọng tận dụng tầm ảnh hưởng để giải quyết các vấn đề liên quan tới IUU. Theo đó, những nỗ lực chung trong việc hạn chế và xóa bỏ IUU sẽ nằm trong nội dung của các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các cuộc họp cấp Bộ trưởng của 10 nước thành viên.
Việt Nam cũng đang thúc đẩy những nỗ lực đa phương để xóa bỏ IUU và kỳ vọng ASEAN sẽ tăng cường thêm nỗ lực để chống lại IUU trong năm nay.
Hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia lâu nay luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hồi tháng 8/2019, nhân chuyến thăm tới Hà Nội, Thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ là ông Mahathir Mohamad cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ (MoU) giữa hai nước.
Cụ thể, hai bên chia sẻ quan ngại về vấn đề tàu thuyền xâm nhập và đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU). Hai Thủ tướng khẳng định tiếp tục các nỗ lực giải quyết vấn đề IUU bao gồm chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Bản ghi nhớ (MOU) hiện có về Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Malaysia.
Việt Nam cảm ơn Malaysia đã đối xử nhân đạo và hồi hương nhanh chóng thuyền viên, ngư dân bị bắt giữ; nhấn mạnh những nỗ lực hiện nay của phía Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về đánh bắt cá trách nhiệm cũng như xây dựng các cơ chế để giải quyết vấn đề IUU.
Tới ngày 16/2/2020, phát biểu trước các phóng viên, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết, Malaysia dự định ký kết một hiệp ước với Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan tới ngư dân biển sâu. Theo ông Saifuddin, Malaysia và Indonesia đã ký kết một hiệp ước tương tự và các quốc gia khác cũng có thể cùng ký kết với Việt Nam.
Nói cách khác, theo ASEAN Post, ASEAN và EU là hai thị trường năng động và sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên sẽ mang lại lợi ích song phương. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt hà khắc nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chính của ASEAN như hải sản sẽ tạo ra căng thẳng không cần thiết giữa ASEAN và EU.
Để tránh căng thẳng bùng phát làm cản trở quan hệ ASEAN – EU, các nhà lãnh đạo liên quan cần tìm được tiếng nói chung để sớm giải quyết vấn đề này.