Việt Nam nhập 3.000 tấn khoai tây Pháp: Làm chặt theo thông lệ quốc tế
Liên quan đến việc này, ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Pháp đã gửi hồ sơ kỹ thuật và Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại với sản phẩm này.
Tuy nhiên, theo ông Trung, việc nhập khẩu 3.000 tấn của Pháp mới chỉ là dự kiến, không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước vì hằng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu khoai tây của Trung Quốc khá lớn, khoảng 30.000 tấn/năm.
“Do không đáp ứng đủ nhu cầu nên chúng ta vẫn phải nhập cả khoai tây giống lẫn khoai tây thương phẩm của Trung Quốc”, ông Trung cho hay.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định để xuất khẩu khoai tây vào Việt Nam, việc kiểm dịch áp dụng với Trung Quốc hay Pháp đều giống nhau, đều kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại với sản phẩm khoai tây của Pháp, thống nhất với phía bạn xây dựng điều kiện kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Cục cũng đã cử một đoàn kỹ thuật sang kiểm tra, đánh giá xem phía bạn có đúng là áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo đúng điều kiện của mình hay không, lúc đó mới cho phép nhập khẩu. Trình tự làm chặt chẽ theo đúng thông lệ quốc tế.
Hai quốc gia đã thống nhất xong, tất cả các doanh nghiệp đều được phép nhập khẩu nếu họ có nhu cầu nhập khẩu.
Ông Trung cũng cho biết thêm, mỗi quốc gia có một loại giống khác nhau, có thể mùi vị, khả năng kháng bệnh, chất lượng khác nhau.
Như giống khoai tây của Pháp rất bở, mùi thơm có thể chế biến thành bột khoai tây để phục vụ nhà hàng cao cấp, khách du lịch. Khoai tây Trung Quốc đậm vị hơn. Chất lượng tùy từng giống và tùy đánh giá của người tiêu dùng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cây khoai tây nhiều năm nay duy trì ổn định ở quy mô 20.000 – 25.000ha. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, sử dụng khoai tây tươi. Ngoài những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, đặc biệt là cây khoai tây rất phù hợp với vụ Đông ở miền Bắc thì bên cạnh đó, sản xuất khoai tây của Việt Nam vẫn gặp khó khăn do thiếu giống tốt và sạch bệnh.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 10.2017 đạt 96 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2017 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 vẫn là thị trường Thái Lan (chiếm tới 59% thị phần), tiếp đến là thị trường Trung Quốc (chiếm 17%).