Việt Nam kết thúc đàm phán lập FTA Nga - Belarus - Kazakhstan
Xin nhắc lại rằng, Việt Nam đã hướng tới Liên minh Hải quan đề nghị thành lập khu vực thương mại tự do chung. Các cuộc tham vấn đã kéo dài mấy năm, nhóm chuyên gia của hai nước đã nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập một khu vực như vậy và đã đi đến kết luận rằng, nhờ khu vực thương mại tự do, đến năm 2020, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa ba nước thành viên Liên minh Hải quan và Việt Nam có thể tăng gấp mấy lần so với mức hiện nay. Các nước Liên minh Hải quan có thể mở rộng đáng kể sự hỗ trợ cho Việt Nam để nước này thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế, đặc biệt trong việc thành lập cơ sở năng lượng, cơ sở hạ tầng, trong ngành giao thông, trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khu vực thương mại tự do là hình thức mới về nguyên tắc của hội nhập quốc tế, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng, mở rộng và tăng cường quan hệ đầu tư. Trong khu vực thương mại tự do, các bên được dành ưu đãi thuế quan, giảm sự chậm trễ và chi phí của lưu thông hàng hóa, giảm thiểu thủ tục giấy tờ mà bây giờ gây trở ngại cho sự hợp tác kinh tế và thương mại.Và qua đó tạo cơ hội cho sự cạnh tranh tự do trên thị trường hàng hóa và dịch vụ.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã lưu ý đến tính cấp bách của dự án này, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đối với thương mại và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan: “Tôi nghĩ rằng, sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan sẽ thay đổi đáng kể. Góp phần vào điều đó là thực tế rằng, các nền kinh tế của chúng tôi bổ sung cho nhau, không cạnh tranh với nhau. Việt Nam có tiềm năng to lớn trong ngành công nghiệp nhẹ, trong ngành đánh bắt cá, trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nước thuộc Liên minh Hải quan phát triển thành công công nghiệp nặng và công nghệ cao. Hiệp định về Khu vực thương mại tự do sẽ thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, giáo dục và khoa học, cũng như công nghệ cao”.
Không có chế độ vạn năng cho các khu vực thương mại tự do. Đó là chủ đề cuộc đàm phán giữa các bên hữu quan. Trong hai năm qua, các nước thuộc Liên minh Hải quan và Việt Nam đã tiến hành cuộc đàm phán về nội dung này. Đúng như dự định, cuộc đàm phán đã kết thúc vào giữa tháng mười hai này. Cố vấn của Bộ phát triển kinh tế Nga Yulia Shestopyorova cho biết: “Cuộc đàm phán đã tiến hành khá thành công. Bây giờ chỉ còn lại số lượng tối thiểu các vấn đề kỹ thuật chưa được thỏa thuận. Trong khi đó, cả hai bên đều chủ trương giải quyết những vấn đề đó trong mấy tháng đầu năm 2015, để trong năm tới có thể ký kết thỏa thuận”.
Trong số các vấn đề chưa được giải quyết là điều kiện tự do hóa thuế quan. Đó là biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng mà thuế giảm đi và nhóm hàng không chịu thuế. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng đối với khu vực thương mại tự do tương lai. Bởi vì việc giảm thuế hoặc áp dụng mức thuế “0” sẽ dẫn đến giảm chi phí và giá thành hàng hóa. Cố vấn của Bộ phát triển kinh tế Nga Yulia Shestopyorova nói tiếp:
“Như vậy có nghĩa là, đối với hàng hóa Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn so với các sản phẩm tương tự từ các nước khác không tham gia khu vực thương mại tự do. Kết quả là, Việt Nam sẽ có thể tăng xuất khẩu sang Liên minh Hải quan, cạnh tranh thành công với các đối thủ nước ngoài không có lợi thế như vậy”.
Theo đại diện của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, hiện nay chưa thể nói lên ngày tháng cụ thể trong năm 2015 khi Liên minh Hải quan và Việt Nam sẽ ký kết hiệp định về thành lập khu vực thương mại tự do. Bà Shestopyorova cho rằng, có lẽ sự kiện này sẽ diễn ra vào cuối quý đầu hoặc vào đầu quý thứ hai.