Việt Nam đứng thứ tư thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương
Mỗi hộ gia đình sử dụng 1 kg túi nilon/tháng
Tại buổi Tọa đàm “Doanh nghiệp du lịch hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương” diễn ra ngày 25/7/2019 tại đảo Cát Bà, Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Bích Hiền, cán bộ thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết, Việt Nam là một trong bốn quốc gia đứng đầu về lượng rác thải nhựa xả ra đại dương.
Buổi Tọa đàm do IUCN phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, và Trung tâm hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) tổ chức.
Theo đại diện của IUCN, ngành công nghiệp nhựa của Việt Nam cũng là khu vực phát triển nhanh thứ hai trong nền kinh tế và nhập khẩu tới 80% nhựa phế liệu bởi nguồn cung trong nước không đáp ứng được nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng. Mặt khác, rác thải nhựa tại Việt Nam bị xem là có giá trị thấp hoặc không có giá trị và thường bị thải ra môi trường sau một lần sử dụng.
Theo thống kê, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng.
Việt Nam đứng thứ tư trong số 5 quốc gia có thiếu kiểm soát nhựa ra đại dương đứng đầu thế giới. Nguồn: GreenHub. |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở nước ta hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải ở nước ta sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của nước ta vẫn chưa phát triển, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Lấy ví dụ cụ thể ngay trên địa bàn huyện Cát Hải, theo ông Hoàng Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải - tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện gần như không có. Trong khi đó, thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng.
“Đáng lo ngại là người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn,” ông Cường nói.
Hiện nay UBND huyện Cát Hải đã và đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lon, nói “không” với sản phẩm nhựa dùng một lần giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn huyện.
Cụ thể, ông Cường cho biết phấn đấu đến hết năm 2020, giảm ít nhất 50% lượng rác thải nhựa trên địa bàn huyện; 100% các đơn vị tổ chức nhà nước thực hành hạn chế/giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần; ít nhất 70% cơ sở kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn huyện cam kết và duy trì thường xuyên hoạt động hạn chế/giảm rác thải nhựa dùng một lần và sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường.
Ông Hoàng Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng. |
Doanh nghiệp du lịch phải là “ngọn hải đăng”
Thực tế cho thấy vai trò của khối doanh nghiệp đang ngày càng trở nên quan trọng đặc biệt trong các nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Đã có những doanh nghiệp chủ động tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm ô nhiễm nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, việc giảm thiểu rác thải nhựa không chỉ vì lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp mà còn là cách hiệu quả nhất trong việc làm thay đổi thói quen tiêu dùng của du khách.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bích Hiền cho rằng số lượng các doanh nghiệp đi tiên phong vẫn còn rất hạn chế, do đó việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia là việc vô cùng cần thiết.
Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Quyết Thắng – Giám đốc Khách sạn Sea Pearl (thị trấn Cát Bà) cho biết, việc công ty vệ sinh môi trường thu phí rác thải theo đơn vị m3 buộc doanh nghiệp phải tính toán đến việc phân loại rác ngay từ đầu nguồn và tận dụng lượng rác tái chế.
Xu hướng hiện nay có những khách lưu trú quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và Khách sạn Sea Pearl với quy mô hơn 80 phòng nghỉ dự định trang bị cho các phòng những vật phẩm có nguồn gốc từ tre như cốc uống nước bằng tre, ống hút bằng tre.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là các khách sạn phục vụ nước uống đóng chai, nhưng trên thị trường hiện nay chỉ toàn nhà cung cấp sản phẩm nước uống đóng chai nhựa. Trong khi đó, khách hàng luôn yêu cầu chai nước đó phải còn nguyên vẹn, chưa từng được mở nắp, và có đơn vị đảm bảo chất lượng, nên rất khó để khách sạn trang bị những chai nước không còn nguyên tem.
Hơn nữa, từ phía các nhà cung cấp nguồn nguyên liệu thực phẩm cho khách sạn, họ luôn sử dụng túi nilon và những chiếc túi này lại phải chuyển đến đơn vị thu gom rác thải mà không biết có được xử lý hay không.
Ông Nguyễn Quyết Thắng – Giám đốc Khách sạn Sea Pearl (thị trấn Cát Bà). |
Chia sẻ về những khó khăn này, bà Nguyễn Thùy Anh – Cán bộ Truyền thông IUCN – cho rằng các cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú không dễ tìm được những nhà cung cấp có những sản phẩm thân thiện với môi trường, nên câu chuyện ở đây là hướng đến giảm thiểu rác thải sử dụng một lần, chứ không thể loại bỏ hoàn toàn sản phẩm nhựa trong cuộc sống.
“Chúng ta không nên quá cực đoan coi sản phẩm nhựa như tội đồ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các doanh nghiệp trong ngành du lịch chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn thấy tác hại lâu dài. Khi họ không bảo vệ môi trường, đồng nghĩa với việc lợi ích kinh tế của chính doanh nghiệp bị giảm sút,” bà Nguyễn Thùy Anh nói.
Theo bà Vũ Thị Vân Anh, Trưởng bộ phận Truyền thông, Công ty du thuyền Bhaya, nếu chúng ta không hành động ngày hôm nay sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được một môi trường xanh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch VUSTA. |
Trong khi đó, TSKH Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch VUSTA – cho rằng phát triển bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, để phát triển ngành du lịch, khâu bảo vệ môi trường là vấn đề quyết định chất lượng và hiệu quả của ngành du lịch.
“Bảo vệ biển không chỉ là bảo vệ chủ quyền biển đảo, mà phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện phát triển bền vững và bảo vệ an ninh của đất nước. Một mặt chúng ta hạn chế rác thải nhựa dùng một lần, mặt khác chúng ta phải coi trọng việc tái chế rác thải, tiến tới hình thành văn hóa tiêu dùng bảo vệ môi trường. Đây là mục tiêu lâu dài chứ không phải chỉ một sớm một chiều,” ông Nghiêm Vũ Khải nói.