Việt Nam đứng đầu danh sách lao động nước ngoài tới Nhật Bản làm việc
Hôm 8/12, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật mới cho phép nước này tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong nước kéo dài. Đây được xem là cơ hội lớn cho người lao động Việt Nam tới Nhật Bản làm việc. Với chương trình mới này, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong thời gian tới.
Lao động Việt Nam tại Nhật Bản làm việc. |
Theo Sputnik, lao động nước ngoài tới Nhật Bản sẽ tham gia vào 14 ngành nghề gồm nông nghiệp, điều dưỡng, chế tạo, chế biến thực phẩm, xây dựng, đóng tàu, ngành khách sạn, nhà hàng, đánh cá, vệ sinh tòa nhà, chế tạo máy, điện điện tử, kỹ thuật ô tô, hàng không, gia công nguyên liệu.
Trong đó, hệ thống cấp thị thực cho người lao động nước ngoài sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2019. Cụ thể, người lao động nước ngoài sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại 1 không đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm cao, trong khi loại 2 dành cho nhóm làm việc cần kỹ năng cao hơn. Để có được thị thực loại 1, có giá trị tối đa năm năm, người lao động phải vượt qua các bài kiểm tra tiếng Nhật và kỹ thuật.
Loại thị thực thứ 2 có mức yêu cầu cao hơn. Người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao và được phép đưa gia đình đi cùng. Số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, từ đó mở ra cơ hội định cư tại Nhật Bản.
Trong khi, thị thực loại 1 sẽ được cấp cho nhóm lao động thuộc 14 lĩnh vực, thì loại 2 dự kiến sẽ chỉ giới hạn trong hai lĩnh vực gồm xây dựng và đóng tàu.
Theo ước tính của chính phủ Nhật Bản, với thị thực loại 1, quốc gia này sẽ tiếp nhận tối đa 47.750 người lao động trong năm đầu tiên luật có hiệu lực và tối đa 345.150 người lao động sau năm năm, trong đó có 60.000 lao động trong lĩnh vực điều dưỡng.
Còn theo tờ Qrius, Nhật Bản có khoảng 1,28 triệu lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại quốc gia này. Con số này đã tăng lên gấp đôi trong 10 năm qua và chiếm 2% lực lượng lao động tại Nhật Bản.
Trong số 260.000 lao động nước ngoài thì chiếm số đông là công dân đến từ Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đứng số 1 với 106.000 lao động tại Nhật Bản và theo sau là Trung Quốc và Philippines.
Theo quy định mới của chính phủ Nhật Bản, thời gian người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản sẽ được kéo dài từ 3 lên thành 5 năm cùng với đó các cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ giám sát chặt chẽ việc các công ty nước này có tuân thủ đúng mức lương đã hứa chi trả cho người lao động hay không.
Theo một quan chức từ Tổ chức Hợp tác Đào tạo nước ngoài Nhật Bản, đơn vị kết nối người lao động nước ngoài với các công ty Nhật Bản, nhu cầu người nước ngoài sang Nhật Bản ngày càng lớn nhất là trong bối cảnh Nhật Bản đang chuẩn bị cho sự kiện Thế vận hội Tokyo 2020.
Cũng theo vị quan chức Nhật Bản, những lao động người Campuchia và Myanmar thường trở về quê hương lập nghiệp sau quá trình tham gia chương trình đào tạo kỹ năng ở Nhật Bản. Họ cũng là đội ngũ nhân viên làm việc cho các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước sở tại.
Còn theo ông Shigeru Yamashita, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hỗ trợ song phương Việt Nam tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nếu chính phủ Nhật Bản không cải thiện chất lượng sống và làm việc cho người lao động nước ngoài, nhiều người trong số này sẽ trở về nước hoặc sang các nước khác như Hàn Quốc, nơi thủ tục được đơn giản hóa và được chính phủ quản lý chặt chẽ, để làm việc.
Năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản. 45 năm cũng là khoảng thời gian chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, toàn diện của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế hiện nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Kể từ khi mở lại chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam năm 1992, cho tới nay, Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng viện trợ ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD, được sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Về đầu tư trực tiếp, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2, với tổng vốn đăng ký tính đến tháng 4/2018, đạt 50,508 tỷ USD cho 3.725 dự án, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam và 70% trong số đó tiếp tục có ý định mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Về hợp tác thương mại, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại đạt 33,4 tỷ USD trong năm 2017, tăng gấp gần 2 lần so với 10 năm trước.