Việt Nam có thể gây ngạc nhiên cho thế giới trong phát triển kinh tế
Năm 2018 là năm Việt Nam tiếp tục đánh dấu những bước tiến mới trong tiến trình hội nhập toàn cầu. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong việc chuẩn bị thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào tháng 3/2018 và đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 11/2018, để chính thức có hiệu lực thực thi vào ngày 14/1/2019.
Bên cạnh CPTPP, Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất tách Hiệp định bảo hộ đầu tư ra khỏi FTA vào tháng 6/2018 để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định này…
TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về mức độ hội nhập quốc tế. |
Trong khi đó, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU… đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Theo nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam năm 2018 diễn ra hồi đầu tháng 12, Việt Nam hiện nay đang ngày càng gắn kết sâu rộng hơn với thế giới, là nền kinh tế có độ mở cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á, là một mắt xích trong các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực quan trọng, đồng thời là thành viên của nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu lớn. Do đó, những biến động trong tình hình kinh tế và chính trị thế giới hiện nay sẽ có tác động lớn và ngay lập tức đối với tiến trình hội nhập của đất nước. Trong các diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và tác động đa chiều của truyền thông hiện nay, chúng ta cần có cái nhìn tỉnh táo, cân bằng để nắm rõ các hiện tượng và bản chất của các sự kiện, từ đó có các đối sách phù hợp cho tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới nêu trên đặt ra những cơ hội không nhỏ cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và liên kết quốc tế của chúng ta ngày càng sâu rộng. Tuy vậy, Thứ trưởng Thanh Sơn không cho rằng, thách thức, khó khăn sẽ ít đi, trái lại đang và sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng, trở thành tình trạng bình thường mới, tác động đến tất cả các nước, nhất là các quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam, song chúng ta đang có những vận hội mới không hề nhỏ để tiếp tục hội nhập, phát triển đất nước.
Có cùng quan điểm với Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, tiến sỹ Vũ Duy Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) – cho rằng Việt Nam là thành viên của nhiều diễn đàn ở cấp khu vực và toàn cầu, vì vậy bất cứ biến động nào của kinh tế, địa chính trị của khu vực và thế giới đều có tác động ngay lập tức đến nền kinh tế của Việt Nam.
Các chuyên gia từ Ngân hàng thế giới (WB), Bộ Công Thương,... cho biết, mặc dù hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra tại Argentina vừa qua có nhiều tín hiệu quả khả quan, nhưng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất định; thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại những phương thức quản lý, kinh doanh có tính chất “phá hủy” các phương thức cũ, nhưng đi kèm với “rủi ro” phi truyền thống liên quan tới chủ quyền kinh tế số, an ninh mạng ngày càng tăng lên.
Tuy có một số nhận định khác nhau nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tình hình thế giới, khu vực hiện nay mang lại những cơ hội lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong củng cố nội lực, bảo đảm “chủ quyền” của đất nước trong kinh tế, không bị lệ thuộc vào các quốc gia khác.
Cũng tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Tích cực, chủ động hội nhập với bên ngoài theo đúng chủ trương của Đảng và cải cách thể chế mạnh mẽ từ bên trong để tiếp tục hội nhập thành công, củng cố nội lực quốc gia, khơi dậy khát vọng và nỗ lực sáng tạo của cá nhân, nâng cao sức mạnh tổng thể của quốc gia, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm”.
Đây là mục tiêu “bất biến” để “ứng vạn biến” là những thách thức từ tình hình thương mại đầu tư quốc tế, sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội và tận dụng triệt để những cơ hội từ bên ngoài mang lại.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới việc Chính phủ, Quốc hội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế ở trong nước trong dài hạn, định vị được vị trí của Việt Nam trên toàn cầu và hướng phát triển trong tương lai chứ không chỉ trong ngắn hạn.
Để có những bước đi vững chắc trong dài hạn, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đặt nhiệm vụ ổn định vĩ mô lên hàng đầu, gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là hệ thống tài chính và ngân hàng, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.
Đồng thời xác định chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay và những năm tới thông qua các động lực tăng trưởng mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ phát triển trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử, logistics, chuỗi cung ứng và vận tải thông minh, công nghệ tài chính…
“Muốn đi nhanh, đi xa và quan trọng là đi về đích thì phải đi cùng nhau. Người Việt Nam hoàn toàn có thể gây ngạc nhiên cho thế giới trong phát triển kinh tế thì không chỉ phải đi cùng nhau mà còn phải hợp tác với các quốc gia khác trong dòng chảy đa phương, cân bằng thương mại”, Phó Thủ tướng bày tỏ.