Việt Nam chung tay phòng, chống rửa tiền trên toàn cầu
Một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên được thành lập nhằm hạn chế, ngăn ngừa loại tội phạm này là Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền (FATF) vào năm 1989. Tổ chức này do các ngân hàng, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà lãnh đạo của nhóm G7 thành lập.
Tổ chức hoạch định chính sách liên chính phủ này có trách nhiệm kiểm soát những mánh khoé và xu hướng rửa tiền, giám sát hoạt động quốc nội và quốc tế, xác định các nguyên nhân phát sinh và đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tệ nạn này.
Việc các quốc gia tham gia vào tổ chức này là mang tính tự nguyện, nhưng 40 khuyến nghị của FATF được tiếp nhận trong pháp luật nhiều nước, thậm chí nhiều trong số khuyến nghị đó đã được quy định bắt buộc trong một số điều ước quốc tế. FATF đang mở rộng các chi nhánh khu vực nhằm thu hút nhiều hơn các quốc gia tiếp nhận các khuyến nghị của mình.
Đối với Việt Nam, từ năm 2007 Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (APG) có nghĩa vụ cùng các thành viên khác thực hiện 40+9 khuyến nghị của FATF. Sau khi gia nhập, Việt Nam đã được APG đánh giá toàn diện về cơ chế PCRT và chống tài trợ khủng bố.
Hiện nay, trong cơ chế hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền thì FATF là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. FATF đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là giúp các nước thành viên ban hành quy định về phòng, chống rửa tiền với mục tiêu cao nhất là ban hành được luật Phòng, chống rửa tiền.
Mới đây, tại Hội nghị toàn thể của FATF diễn ra vào đầu năm 2014, Việt Nam đã được tuyên bố chính thức ra khỏi danh sách các nước cần sự giám sát của FATF về tính tuân thủ toàn cầu trong PCRT. Đây là một sự kiện thể hiện những tiến bộ đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc nỗ lực cải thiện khung chính sách một cách toàn diện nhằm thực thi các chuẩn mực quốc tế về PCRT.
Hiện nay, với nỗ lực tạo sức mạnh đồng bộ của cả cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc đã có Chương trình chống rửa tiền toàn cầu (The Global Programme against Money Laundering - GPML) đặt trụ sở tại Bỉ.
Tuy nhiên số quốc gia là thành viên của Chương trình này không nhiều. Đặc biệt, như đã đề cập, bọn tội phạm thường hay rửa tiền qua các công ty xuyên quốc gia, các định chế tài chính cũng đều liên quan đến thẩm quyền tài phán đa quốc gia.
Chính vì thế, sự hợp tác quốc tế và giữa các quốc gia ở nhiều cấp độ khác nhau trong phòng, chống rửa tiền càng có tầm quan trọng đặc biệt. Các hình thức hợp tác có thể là hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực; điều tra chung; trao đổi thông tin, chứng cứ; cùng xây dựng và cam kết thực thi các chuẩn mực chung về phòng, chống rửa tiền v.v...
Cùng với xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có nhiều biến đổi tích cực, bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực, mà trong đó có nạn rửa tiền.
Năm 2012, Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) được ký kết , trong đó có quy định về hoạt động hợp tác chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cụ thể là, hai bên nhất trí về sự cần thiết phải hướng tới và hợp tác ngăn chặn nguy cơ hệ thống tài chính của mình bị lạm dụng để rửa tiền thu được từ các hoạt động tội phạm nghiêm trọng, theo khuyến cáo của FATF. Đồng thời, thúc đẩy đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng và thực hiện các quy định và sự vận hành hiệu quả của các cơ chế chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đặc biệt, sự hợp tác sẽ cho phép việc trao đổi các thông tin liên quan giữa các cơ quan có thẩm quyền của các Bên trong khuôn khổ pháp luật của mỗi Bên, trên cơ sở các chuẩn mực phù hợp nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố tương đương với các chuẩn mực được các Bên và các cơ quan quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này, như FATF áp dụng