Việt Nam cần làm gì để có những "gã khổng lồ" công nghệ?
Tuyên bố về việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt
Trong hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, tốc độ cao, góp phần giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua chủ yếu theo bề rộng, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa còn chưa cao.
Các doanh nghiệp công nghệ là một động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế. |
Trong khu vực, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã trở thành những con rồng châu Á, chuyển mình thành những cường quốc thế giới chỉ trong khoảng vài thập kỷ gần đây. Động lực tăng trưởng chính của quốc gia này chính là dựa vào nền tảng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông.
Các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ như Sony, Toshiba, Samsung, LG, Foxconn… đã đi đầu trong việc phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới, qua đó thể hiện sức mạnh kinh tế của các quốc gia này.
Trước những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá.
Đó cũng là lý do mà Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 9/5 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Đây là nơi tập hợp của khoảng 1.000 đại biểu gồm hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Đặc biệt hơn khi sự kiện còn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Doanh nghiệp công nghệ là lời giải cho bài toán Việt Nam
Tại diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ chia sẻ về thực trạng ứng dụng và phát triển các công nghệ Việt để giải quyết bài toán Việt Nam. Đồng thời, các diễn giả cũng sẽ chỉ ra đâu là các bài toán về sản xuất, kinh doanh mà Việt Nam cần đến các giải pháp công nghệ trong thời gian tới.
Hàng loạt chuyên gia trong và ngoài nước sẽ chia sẻ về hiện trạng và đóng góp giải pháp cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Sự góp mặt của các chuyên gia Hàn Quốc, ADB Việt Nam và Đại học Fulbright sẽ mang tới những kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ sẽ có cơ hội trình bày, chia sẻ về thực trạng và đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghệ Việt Nam. Việc trao đổi giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ giúp tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Diễn đàn cũng sẽ là nơi mà các tổ chức, doanh nghiệp có bài toán cần giải quyết có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp và thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ có sản phẩm, giải pháp công nghệ Việt.
Bên lề Diễn đàn sẽ là khu triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ của Việt Nam đã được ứng dụng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.
Chia sẻ về Diễn đàn, ông Trần Việt Hùng - nhà sáng lập của GotIt cho biết ông rất hứng thú với ý tưởng xây dựng các công ty công nghệ Việt Nam của Bộ TT&TT. Theo ông Hùng, 12 năm trước đây thế giới chưa từng có Uber, thế nhưng giờ đây công ty này đang được định giá khoảng hơn 100 tỷ USD. Tương tự như vậy, chỉ mất khoảng 10 năm là đủ để các công ty công nghệ như Facebook bắt đầu hình thành, sau đó IPO rồi tạo ra một công ty có giá trị rất lớn.
Theo ông Trần Việt Hùng - nhà sáng lập GotIt, diễn đànquốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ giúp tạo ra những gã khổng lồ công nghệ trong tương lai. Ảnh: Trọng Đạt |
So với các công ty truyền thống, các công ty công nghệ mất thời gian ngắn hơn và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều, trong khi phạm vi ảnh hưởng lại rất lớn. Ông Hùng hy vọng thông qua diễn đàn do Bộ TT&TT tổ chức, sẽ có một thế hệ các start-up trẻ được hình thành.
“Nếu Việt Nam định hình và xây dựng được hàng trăm công ty công nghệ khởi nghiệp, chỉ cần 1, 2 công ty trong số đó thành công, chúng ta cũng sẽ có được những gã khổng lồ công nghệ của Việt Nam. Kể cả trong trường hợp những công ty này thất bại, ít nhất chúng ta cũng sẽ tạo ra một nguồn lực làm công nghệ, những người sẵn sàng làm lại và tạo ra các công ty lớn ở lần thứ 2”, nhà sáng lập của GotIt nói.