Việt Nam cam kết mở cửa các dịch vụ tài chính nào trong EVFTA?
Đối với Hiệp định EVFTA, Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong “cuộc chơi” của các doanh nghiệp, nhiều dịch vụ được Việt Nam cam kết mở cửa nhưng không phải là tất cả. Nhóm dịch vụ tài chính bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, và chứng khoán cũng không phải là ngoại lệ.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, các dịch vụ đã cam kết gồm: Bảo hiểm gốc (nhân thọ, phi nhân thọ); Tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm; Trung gian bảo hiểm (môi giới, đại lý); Hỗ trợ bảo hiểm (04 dịch vụ). Có hai dịch vụ thuộc lĩnh vực bảo hiểm chưa cam kết mở cửa là Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội.
Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ bảo hiểm đối với phương thức qua biên giới trong EVFTA, mở cửa không hạn chế cho các trường hợp: Dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế, bao gồm bảo hiểm cho các rủi ro liên quan tới: Vận tải biển quốc tế và vận tải hàng không thương mại quốc tế, với phạm vi bảo hiểm gồm bất kỳ hoặc toàn bộ các khoản mục sau: hàng hóa vận chuyển, phương tiện vận chuyển hàng hóa và bất kỳ trách nhiệm nào phát sinh từ đó; và hàng hóa đang vận chuyển quá cảnh quốc tế; dịch vụ tái bảo hiểm; dịch vụ môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm; dịch vụ tư vấn, dịch vụ định phí, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường.
Trong hiện diện thương mại, dịch vụ bảo hiểm cũng được Việt Nam mở cửa không hạn chế, ngoại trừ đối với chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước là chỉ cho phép thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ. Đồng thời mở cửa không hạn chế cho dịch vụ tái bảo hiểm.
Tuy nhiên, đối với các chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thì chỉ cho phép thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ, cho phép thành lập chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sau 03 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Việt Nam cam kết mở cửa nhiều dịch vụ ngân hàng. |
Đối với lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ đã cam kết mở cửa bao gồm các dịch vụ ngân hàng thương mại như: nhận tiền gửi, cho vay, thuê mua tài chính, hanh toán/chuyển tiền, kinh doanh công cụ tiền tệ, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản,… Dịch vụ chưa cam kết mở cửa gồm: Các hoạt động của ngân hàng trung ương; trung gian tiền tệ; hoạt động của công ty nắm giữ tài sản; quản lý thị trường tài chính.
Việt Nam chưa cam kết với bất kỳ dịch vụ ngân hàng và tài chính nào theo phương thức cung cấp qua biên giới, ngoại trừ các dịch vụ gồm: Dịch vụ cung cấp và chuyển thông tin tài chính, xử lý dữ liệu tài chính, các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác; Các dịch vụ tư vấn, trung gian môi giới và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác đối với tất cả các hoạt động dịch vụ ngân hàng, tài chính có trong Biểu cam kết, kể cả tham chiếu và phân tích tín dụng, nghiên cứu và tư vấn đầu tư và danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại và về tái cơ cấu và chiến lược doanh nghiệp.
Với phương thức hiện diện thương mại, chỉ cho phép thành lập hiện diện thương mại cụ thể tùy theo loại nhà đầu tư. Theo đó, các ngân hàng thương mại EU được phép thành lập tại Việt Nam, chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài không được mở các điểm giao dịch khác ngoài trụ sở chi nhánh ngoại trừ cột ATM. Các ngân hàng thương mại EU được mở ngân hàng thương mại liên doanh (vốn nước ngoài đến 50%) và ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài, được phép mở công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài.
Đối với các công ty tài chính EU, các cam kết tương tự như với ngân hàng EU.
Trong lĩnh vực chứng khoán, Việt Nam đã cam kết mở cửa tất cả các dịch vụ trong lĩnh vực này, bao gồm các dịch vụ chứng khoán như giao dịch công cụ phái sinh, các giao dịch chứng khoán.
Với phương thức cung cấp qua biên giới, Việt Nam chưa cam kết với bất kỳ dịch vụ chứng khoán nào ngoại trừ các dịch vụ: Cung cấp và chuyển thông tin tài chính, xử lý dữ liệu tài chính và các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán; Tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan tới các hoạt động giao dịch chứng khoán; dịch vụ tư vấn, phụ trợ nói trên chỉ được cung cấp cho các hoạt động giao dịch chứng khoán của công ty.
Với phương thức hiện diện thương mại, Việt Nam cam kết cho nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán EU được thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó vốn góp nước ngoài đến 49%; doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài; Chi nhánh công ty chứng khoán.