Việt Nam cam kết cùng Nhật Bản và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác kinh tế
Hôm 9/10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 đã chính thức diễn ra ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Các nhà lãnh đạo tham giaHội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 đã chính thức diễn ra ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản hôm 9/10. |
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất nghiên cứu và xây dựng "Mạng lưới sáng tạo Mekong - Nhật Bản" nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh vai trò và đóng góp của mối quan hệ hợp tác Mekong - Nhật Bản đối với việc thực hiện "Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN" nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các dự án hợp tác Mekong - Nhật Bản đã giúp đem lại sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tại các nước Mekong. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác thành công hơn nữa.
Về phương hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tập trung vào một số ưu tiên gồm: Thúc đẩy kết nối giao thông bao gồm cao tốc Vientiane - Hà Nội; giao thông đường thủy giữa Việt Nam - Campuchia; và kết nối năng lượng nội khối Mekong như hợp tác hiện nay giữa Việt Nam, Lào, Campuchia cũng như giữa khu vực Mekong với các nước bên ngoài.
Cải thiện kết nối hạ tầng mềm, ưu tiên xây dựng và thực hiện các hiệp định, cơ chế phối hợp về tạo thuận lợi cho giao thông, thương mại và kết nối số giữa các nước thành viên. Thúc đẩy kết nối công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tăng cường kết nối con người, đặc biệt thông qua giáo dục, đào tạo nghề; ký kết thỏa thuận về công nhận tương đương văn bằng, tín chỉ đào tạo nghề. Hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mekong xanh với trọng tâm là hợp tác quản lý bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững.
Trước ngày diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10, Nhật Bản đã nhất trí thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các nước vùng Mekong, trong bối cảnh Tokyo muốn duy trì tầm ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, hôm 8/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có các cuộc họp riêng với lãnh đạo Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Trong đó, Nhật Bản đã cam kết chuyển cho Lào gói hỗ trợ trị giá 900 triệu yên (8 triệu USD) để tiến hành công tác rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
“Chúng tôi đánh giá cao gói hỗ trợ phát triển của chính phủ Nhật Bản. Đây là sự đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế của Lào”, Asia Nikkei Review dẫn lời Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.
Tokyo còn đề nghị cho Campuchia vay 3,5 tỷ yên để xây dựng cơ sở hạ tầng tưới tiêu trên khu vực hồ Tonle Sap. Bởi việc phát triển hệ thống hạ tầng tưới tiêu trong vùng hồ Tonle Sap sẽ giúp Campuchia tăng sản lượng gạo hàng năm.
Ngoài việc mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế với các nước vùng Mekong, Thủ tướng Abe còn đưa ra sáng kiến “Tự do và Mở cửa khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Theo giới chuyên gia, sáng kiến của Nhật Bản là nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng an ninh trong khu vực như tăng cường sự hiện diện quân sự và đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến của Nhật Bản.
“Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực và sự dẫn dắt của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhận định, “Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản sẽ là cơ hội đầu tiên cho khu vực chào đón chiến lược mở của Nhật Bản ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Về phần mình, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã nói với Thủ tướng Abe trong cuộc họp báo chung rằng, các nước vùng Mekong mong muốn tìm kiếm sự hợp tác chứ không phải là đối đầu hay cạnh tranh giữa Tokyo và Bắc Kinh.
“Tôi hy vọng các công ty Nhật Bản sẽ hợp tác với các công ty Trung Quốc trong một số dự án. Chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhằm mang lại lợi ích cho các quốc gia vùng Mekong”, Thủ tướng Chan-ocha chia sẻ.