Viện phí tăng, bệnh nhân còn tiếp tục nằm ngoài hành lang
Viện phí tăng, bệnh nhân còn tiếp tục nằm ngoài hành lang
Bộ Y tế: Tăng viện phí để bù lương cán bộ...

Theo Thông tư 14 ban hành năm 1995 quy định giá khám bệnh chỉ có 1.000 – 2.000 đồng một lần khám, giá nằm giường điều trị 10.000 – 15.000 đồng/ngày, với những bệnh viện tuyến quận, huyện thì dưới 8.000 đồng/ngày. Do đó nhiều bệnh viện cho rằng áp dụng mức phí này là lỗi thời và cần phải tăng phí.
Tuy nhiên, qua ghi nhận của PV tại các bệnh viện thì thực tế lại khác. Mặc dù giá viện phí được các bệnh viện tuyến cơ sở, tuyến huyện thực hiện theo đúng quy định nhưng một số bệnh viện tuyến Trung ương lại cao gấp nhiều lần so với quy định. Thậm chí, nhiều bệnh viện còn lách luật bằng cách tạo ra các gói dịch vụ, điều trị tự nguyện nhằm “móc tiền” của người bệnh một cách hợp pháp.
Hiện BV Nhiệt đới TP.HCM đã áp dụng khung giá với nằm hồi sức cấp cứu là 300.000 đồng/ngày. Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 cũng tăng thêm tiền khám lên 200.000 – 300.000 đồng/lượt.
Nếu muốn khám nhanh, khỏi mất công chờ thì chọn hình thức khám dịch vụ, mỗi lần khám 60.000 – 80.000 đồng.
Theo lý giải của nhiều bệnh viện tại TP.HCM thì tăng như vậy để tăng chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa khi tình trạng quá tải diễn ra như cơm bữa.
Chị Nguyễn Thị Bé, quê ở Bình Định bị u ở ngực phải điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu cho hay: “Tôi nằm ở đây đã 2 tuần rồi nhưng chưa có lịch xạ. Phòng rất chật hẹp, chỉ khoảng chừng 20m2 mà tới 34 bệnh nhân. Nếu biết như thế này chắc tôi đã ở nhà… chờ chết cho xong, chứ ngồi đây chờ điều trị thì chắc cũng chết!”.
Tình trạng quá tải còn khiến nhà vệ sinh bệnh viện dơ bẩn vì phải gánh cả số bệnh nhân quá tải và lượng người đi theo chăm nuôi quá đông. Một người nhà bệnh nhân than thở: “Quá lắm tôi mới phải vào nhà vệ sinh chứ thực tình nghĩ đến là muốn buồn nôn rồi. Lẽ ra bệnh viện phải là nơi có môi trường sạch sẽ, đằng này người bệnh phát ốm thêm vì nhà vệ sinh bẩn thỉu”.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 không ngần ngại thừa nhận, giá tăng mà bệnh viện vẫn quá tải thì người bệnh vẫn phải nằm chung giường hay ngoài hành lang. Mấu chốt nằm ở chỗ mở rộng thêm cơ sở thì mới giảm tải được lượng bệnh nhân xong rồi mới nói đến tăng chất lượng được.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM khẳng định, việc tăng viện phí lần này mục tiêu là giảm bớt khó khăn cho các bệnh viện nhưng mức tăng chỉ hợp lý khi đáp ứng được về tài chính của quỹ BHYT và khả năng chi trả của bộ phận không tham gia BHYT. Hiện mức đóng BYT là 4,5% lương cơ bản, riêng đối với những hộ cận nghèo có hỗ trợ Nhà nước là 200.000 – 300.000 đồng/năm nhưng khi tăng lên 500.000 đồng/năm liệu hó còn có ý định tham gia hay không?
Trao đổi ngoài lề với PV tại cuộc họp với UBND TP.HCM về thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đang đề nghị nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, học sinh sinh viên nghèo. Trong đó, đến năm 2014 bắt buộc BHYT với nông dân, hộ gia đình làm nông ngư nghiệp…
Tuy nhiên, thực tế khi triển khai hỗ trợ cho người cận nghèo mua BHYT năm qua đã không thành công do người cận nghèo không mấy thiết tha mua thẻ, dù đã được hỗ trợ 50 - 80%. Điều đó càng cho thấy nếu không tính toán thật kỹ thì viện phí tăng sẽ có tác động không nhỏ đến đời sống nhóm cận nghèo, lao động tự do, nông dân…
Mỹ Lộc