Vị thuốc 'các vàng không đổi' tốt như thế nào?
Trong cộng đồng Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, nhiều thành viên của nhóm đều tìm kiếm thông tin về sử dụng tam thất cho bệnh nhân ung thư.
Chị Hồ Thị V. bệnh nhân ung thư chia sẻ chị bị K đại tràng giai đoạn 3, đã phẫu thuật. Trong giai đoạn điều trị hóa chất chị V. vẫn kiên trì uống tam thất và mật ong hàng ngày.
Không chỉ sử dụng tam thất uống với mật ong vào buổi sáng, trong ngày chị cũng dùng nước nấu củ tam thật, nấm lim xanh để bồi bổ sức khỏe. Nhờ có chăm sóc tốt, suốt quá trình hóa trị sức khỏe của chị V. ổn định.
Chị Ngô Thùy Linh cũng đang tìm kiếm mua tam thất nguyên chất cho mẹ. Mẹ chị Linh bị ung thư phổi giai đoạn 3. Chị Linh cho biết nghe nhiều thành viên từng bị ung thư chia sẻ tăng sức đề kháng bằng bột tam thất bắc nên chị Linh cũng tìm mua cho mẹ dùng.
Tuy nhiên, chị cũng được khuyến cáo khi đang xạ trị thì chưa nên dùng mà chờ xạ trị xong mới sử dụng.
Trên thị trường hiện nay, tam thất với đủ giá từ vài trăm nghìn đồng tới vài triệu đồng/kg nên nhiều người bối rối cũng không biết chọn tam thất như thế nào cho phù hợp mua hàng chuẩn đảm bảo chất lượng.
Theo bác sĩ Hà Vũ Thành – Bệnh viện K Trung ương, tam thất là vị thuốc nổi tiếng được sử dụng lâu đời ở nước ta. Tam thất còn được gọi là kim bất hoán (các vàng cũng không đổi) thuộc họ nhân sâm.
Đặc tính của tam thất là cây thảo ưa bóng râm, hay mọc ở vùng núi cao trên 1500 mét. Rễ tam thất được dùng làm thuốc nhiều nhất.
Người ta thu hái rễ mang về rửa sạch, lọc rễ nhánh và dùng bộ phận củ để chữa bệnh. Tam thất uống có tác dụng nhiều cho sức khỏe như tăng sức khỏe, giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Tam thất cũng có tác dụng hạn chế di căn của tế bào ung thư. Trong rễ, thân, lá tam thất giúp cầm máu, giảm đau rõ rệt.
Tam thất còn tiêu máu ứ, điều hòa hệ thống miễn dịch. Trong dịch chiết của tam thất có tác dụng tốt cho thần kinh chống stress, chống căng thẳng.
Tam thất còn giúp tăng lưu lượng máu giúp bảo vệ mạch vành tránh rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim. Tam thất còn làm chậm quá trình lão hóa. Ngoài ra, tam thất còn có tác dụng phòng chống vi khuẩn, virus.
Trong đông y, bác sĩ Thành cho biết người ta thấy tính vị của tam thất là vị ngọt, tính đắng, có tác dụng vào kinh can tiêu thúng, chữa thổ huyết, chảy máu cam, trị ung thũng (ung thư).
Dân gian coi tam thất là vị thuốc cầm máu trị chảy máu cam, chảy máu tiêu hóa, rong huyết rong kinh, hoa mắt chóng mặt giúp thoát sản dịch ở phụ nữ sau sinh.
Tam thất còn trị đau do viêm tấy, sưng nề. Tam thất được dùng để bồi bổ cho người mệt mỏi. Khi dùng tam thất sắc nên dùng 5 đến 10 gram.
Nếu uống tam thất dạng bột chỉ dùng 5 gram/ngày. Khi dùng tam thất lâu ngày có thể gây nóng, mụn nhọt, dị ứng. Vì vậy, bác sĩ Thành khuyến cáo bạn dùng tam thất tùy theo cơ địa của mình cho phù hợp.
Tam thất có nhiều công dụng nhưng những người sau không nên dùng như: trẻ em, người đang bị tiêu chảy.
Khi dùng tam thất, bác sĩ Thành hướng dẫn bạn có thể dùng trực tiếp thuốc bột uống với nước không cần phải pha với mật ong.
Hiện nay trên thị trường rất nhiều người bán quảng cáo là tam thất Hà Giang. Tuy nhiên, theo thông tin từ bác sĩ Thành tại Hà Giang tam thất mới chỉ trồng thử nghiệm chứ chưa có sản phẩm thương mại. Hầu như tam thất tốt có trên thị trường là nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên nơi trồng nhiều nhất và có thương phẩm tốt nhất là ở Vân Nam, Trung Quốc.
Theo bác sĩ Hoàng Sầm – Chủ tịch Viện Y học Bản địa Việt Nam tam thất rất tốt cho bồi bổ sức khỏe nhất là những người sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.
Tam thất có hai tác dụng chính là cầm máu và bổ dưỡng. Gần đây, nó còn được dùng trong một số trường hợp ung thư (phổi, tiền liệt tuyến, vòm họng, vú) với kết quả tốt.
Bác sĩ Sầm cho biết cách chọn tam thất chuẩn nên chọn size từ 8 củ/lạng. Tam thất rắn chắc, bổ miếng thấy củ đanh chắc.
Củ không phân nhánh, đầu sần sùi thành những mấu, có nhiều vết nhăn dọc, vỏ ngoài cứng mầu xám hoặc xám đen (dạng sống), sau chuyển mầu đen (dạng sơ chế), ruột đặc mầu vàng xám, chất chắc nặng, vị ngọt nhạt, hơi đắng, mùi thơm nhẹ.
Khánh Chi