Vì sao Triều Tiên bất ngờ hủy hành động quân sự chống lại Hàn Quốc?
Triều Tiên hủy kế hoạch hành động quân sự chống lại Hàn Quốc dường như để “thư giãn” nhằm tránh gây tổn hại thêm cho nền kinh tế quốc gia.
Vào sáng ngày 24/6, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo trong cuộc họp sơ bộ trực tuyến của Quân ủy Trung ương dưới sự chủ trì của Chủ tịch Kim Jong-un hôm 23/6, Triều Tiên quyết định hoãn “các kế hoạch hành động quân sự” chống lại Hàn Quốc.
Quyết định này mang tính bất ngờ bởi trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng tại cuộc họp sơ bộ của Quân ủy Trung ương thuộc đảng Lao động Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ đưa ra thêm những biện pháp nhằm “trừng phạt” Hàn Quốc như điều động thêm binh sĩ tới vùng biên giới giữa hai nước.
Triều Tiên bất ngờ hủy hành động quân sự chống lại Hàn Quốc. (Ảnh minh họa) |
Điều đáng nói, không chỉ dừng hành động quân sự, ngay cả dàn loa phóng thanh mà Triều Tiên tái lắp đặt ở vùng biên giới liên Triều hôm 21/6 cũng đã được di chuyển khỏi vị trí vào sáng ngày 24/6.
Theo giới chuyên gia, Triều Tiên dường như quyết định rút lại những lời đe dọa sau khi nhận ra rằng mục đích đã đạt được và việc leo thang thêm căng thẳng có thể gây ảnh hưởng lớn hơn cho nền kinh tế quốc gia vốn đang tụt dốc.
“Triều Tiên dường như quyết định thư giãn một chút sau những hành động khiêu khích, bởi họ hiểu rằng mọi chuyện sẽ không tốt đẹp gì nếu như hành động quân sự có thể dẫn tới bùng nổ một cuộc xung đột vũ trang”, Yonhap dẫn lời ông Yang Moo-jin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên.
“Triều Tiên đưa ra quyết định sau khi đã đạt được hiệu quả liên kết người dân trong nước tới một mức độ nhất định”, ông Yang nói thêm.
Ông Kim Dong-yeob, Giáo sư tại Đại học Kyungnam cho rằng những thách thức đối với nền kinh tế trong nước khiến Triều Tiên nhận ra rằng việc có thêm hành động khiêu khích và đẩy căng thẳng leo thang cũng chỉ khiến nền kinh tế chịu thêm sức ép.
Cũng theo Giáo sư Kim, Triều Tiên phải tìm cách cải thiện những khó khăn của nền kinh tế sau tuyên bố hồi tháng 12/2019 của Chủ tịch Kim Jong-un về việc Bình Nhưỡng không có hy vọng chứng kiến các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ được xóa bỏ, giữa lúc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào bế tắc.
“Vào thời điểm hiện tại, khi Triều Tiên cố gắng đạt được bước đột phá về kinh tế, quốc gia này cần xác định việc gia tăng căng thẳng bên ngoài sẽ không tạo ra tác động xấu cho kinh tế. Do đó, Triều Tiên cho giảm bớt hành động chống lại Hàn Quốc tới một mức độ đủ để thuyết phục người dân nước này. Triều Tiên cũng cần có thêm thời gian để đánh giá chính xác hành động quân sự”, ông Kim Dong-yeob nói.
Thậm chí, theo ông Yang, những thông tin mới được tiết lộ trong cuốn hồi ký của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã tác động tới quyết định của Triều Tiên và khiến Bình Nhưỡng suy nghĩ thận trọng hơn với phương thức tiếp cận.
“Triều Tiên có thể tạm dừng hành động khiêu khích để xem phản ứng của cộng đồng quốc tế liên quan tới cuốn sách mà ông Bolton mới xuất bản”, ông Yang cho hay.
Cũng theo giới chuyên gia, các mối quan hệ liên Triều dường như chưa rơi tới mức mà Triều Tiên tuyên bố hiệp ước ký kết hồi năm 2018 trong hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều là “văn bản chết”. Song các chuyên gia cảnh báo, giới chức Hàn Quốc vẫn cần theo dõi sát sao và đề phòng những hành động khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên. Nguyên nhân là Triều Tiên sẽ chỉ “tạm dừng” kế hoạch hành động quân sự chứ không phải xóa bỏ hoàn toàn.
“Nếu như Triều Tiên tăng cường triển khai quân tới biên giới, tái khởi động dàn loa phóng thanh và phát tờ rơi sang Hàn Quốc, điều này chứng tỏ Hiệp ước Quân sự Toàn diện Hàn – Triều sẽ không còn hiệu lực nữa”, ông Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul cho hay.
Trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 vào tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã ký kết Hiệp ước Quân sự Toàn diện nhằm ngăn chặn hành động làm leo thang căng thẳng quân sự giữa hai bên.
“Tuyên bố vào hôm 24/6 cho thấy, thỏa thuận xây dựng lòng tin liên Triều vào năm 2018 chưa chết hẳn, nhưng nó đang ở trạng thái duy trì sự sống”, ông Easley kết luận.
Trước đó, quân đội Triều Tiên đã lên tiếng đe dọa có hành động quân sự chống lại Hàn Quốc như điều động binh sĩ trở lại khu vực Kaesong và núi Kumgang. Thậm chí, Triều Tiên gọi Hàn Quốc là “kẻ thù” và cho cắt đứt toàn bộ đường dây liên lạc cũng như khẳng định sẽ có thêm hành động “trừng phạt”.
Hồi tuần trước, Triều Tiên còn cho đánh sập tòa nhà liên lạc liên Triều nằm ở thị trấn biên giới Kaesong. Đây là cơ sở được hai bên thành lập sau hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Hàn – Triều vào năm 2018.
Ngoài ra, Triều Tiên còn đe dọa từ bỏ các dự án chung với Hàn Quốc và nối lại các cuộc tập trận quân sự gần biên giới Hàn Quốc.
Triều Tiên cũng có kế hoạch thả 3.000 quả bóng bay chứa khoảng 12 triệu tờ rơi tuyên truyền chống phá Hàn Quốc và tiếp tục điều thêm quân tới vùng phi quân sự (DMZ).
Triều Tiên chuẩn bị duyệt binh, khoe loạt vũ khí 'khủng'
Triều Tiên được cho đang chuẩn bị tiến hành duyệt binh quy mô lớn với màn ra mắt nhiều vũ khí mới nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động vào tháng 10 tới.
Minh Thu (lược dịch)