Vì sao nói lùi một bước biển rộng trời cao?
Đôi khi cần dũng cảm tiến về phía trước nhưng không thể cứ liều lĩnh vì sự phù phiếm hay sĩ diện mà phải có dũng khí nhìn lại mình.
Khoa học và công nghệ của nhân loại luôn thay đổi theo từng ngày, tính năng của điện thoại thông minh được cập nhật liên tục và tốc độ truy cập Internet của máy tính cũng không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống của người hiện đại dường như không được thoải mái như người xưa mà lại có vẻ bận rộn hơn.
Ngày xưa chỉ cần mùa màng bội thu đã đủ thức ăn cho cả nhà cho nên thời đó dù không có khoa học kỹ thuật tân tiến, nhưng một cuộc sống có thể ăn no ngủ kỹ thì không phải quá khó.
Nhưng bây giờ, bất kể là thành phần trí thức hay công nhân lao động đều phải vì cuộc sống mà dốc sức làm việc; nhiều người còn phải làm thêm vào ban đêm. Cuộc sống không có nhiều thời gian gặp gỡ người thân, bạn bè, chỉ có thể gặp nhau trực tuyến qua màn hình ảo.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do trình độ khoa học công nghệ ngày càng nâng cao, khát vọng làm giàu của người dân cũng tăng lên. Những chiến lược quảng cáo lặp đi lặp lại kích thích nhu cầu tiêu dùng; những hình ảnh người thành công giàu có xuất hiện nhan nhản; nó khiến cho người ta luôn cảm thấy bản thân yếu kém và nghèo khó, nên lại càng phải nỗ lực hơn nữa.
Ở một số quốc gia và khu vực, giá cả đã tăng gần 10 lần, nhưng thu nhập từ tiền lương của tầng lớp lao động vẫn bế tắc ở mức của khoảng 20 năm trước.
Trương Quả Lão, trong chuyện Bát Tiên luôn cưỡi lừa ngược đi trên đường. Ông thấy đạo đức nhân loại ngày càng thấp; người trong trần thế mê đắm vào công danh lợi lộc; còn tự cho rằng cuộc sống càng ngày càng tốt. Ông cưỡi lừa ngược là muốn nói với mọi người rằng, tiêu chuẩn để đo lường sự tiến bộ của nhân loại là đạo đức và sự xuống dốc của đạo đức đồng nghĩa với việc con người đang dần thụt lùi.
Con người hiện đại lúc nào cũng muốn tiến về phía trước. Họ sống trong những tiếng kèn kẹt cứng từng giây từng phút, bất kể họ đang đi trên con đường rộng bằng phẳng hay con đường lầy lội và ngoằn ngoèo. Tất cả những gì họ muốn là lao tới phía trước, hy vọng có thể ép tất cả những người bạn đồng hành sang một bên đường, hoặc giẫm lên họ. Dù chỉ gặp một cây cầu ván, họ sẽ giống như hai con cừu trắng và cừu đen trong truyện ngụ ngôn, cả hai không ai chịu lùi bước, kết quả là đều ngã xuống sông vì kiệt sức.
“Lùi một bước biển rộng trời cao”, người xưa đã có câu nói khôn ngoan như vậy. Từ gần có thể nhìn thấy xa, lui bước cũng có thể coi là tiến bộ. Người bình thường có xu hướng nhìn vào cái cao chứ không nhìn cái thấp, tìm kiếm cái xa hơn là cái gần. Ví dụ, nếu ai đó hiểu biết hơn tôi, tôi sẽ tôn trọng họ; nếu ai đó giàu hơn tôi, tôi sẽ dành sự ưu ái cho họ. Nếu tình trạng của người này tồi tệ hơn tôi, tôi sẽ coi thường họ. Nhưng đâu có ngờ “muốn lên cao tất từ thấp, muốn đi xa tất từ gần”, con người phải hết mực khiêm tốn cúi đầu xuống thì mới có thể chân chính nhận thức bản thân, nhận thức thế giới.
Ảnh minh họa.
Người xưa nói: “Lấy lui làm tiến”, nếu lùi một bước trước lợi ích vật chất thì quanh năm không phải thức khuya dậy sớm. Trước thị phi đúng sai có thể nhẫn nại ba phần sẽ thong thả biết bao. Sự khiêm tốn và khoan dung này là sự tiến bộ thực sự.
Cuộc sống không thể cứ thẳng tiến, đôi khi có thể lùi một bước mà nghĩ lại, cái gọi là “quay đầu là bờ” thường khiến người ta có cảm giác giác ngộ. Trên đường đời, đôi khi bạn rất cần dũng cảm tiến về phía trước, nhưng không thể cứ liều lĩnh vì sự phù phiếm hay sĩ diện mà phải có dũng khí nhìn lại mình.
“Lui bước vốn là tiến tới trước”, câu này rất giàu triết lý nhân sinh. Hình dung người nông dân đang cấy mạ, một mặt cắm mạ non, một mặt lùi từng bước về phía sau, cứ như vậy cho tới bờ ruộng, vậy là cấy mạ xong; cũng giống như lui mà lại là đang tiến. Đôi khi nhượng bộ hay lui bước cũng không phải là tiêu cực, mà lại là một sự chuyển đổi tích cực.
Cãi cọ, vu cáo vu khống lẫn nhau thì đạt được gì? Tốt hơn hết hãy lùi lại một bước, buông bỏ tinh thần tranh đấu, tĩnh tâm suy tư để tìm ra khuyết điểm của bản thân, khi đó tâm thái sẽ trở nên thanh thản bình an, cảnh giới cũng theo đó mà cải thiện.
Bài học "Ca nước đổ giày" giúp anh học trò thất bại tỉnh ngộ trở thành quan lớn
Thấy học trò than vãn không ngừng, thầy giáo già lẳng lặng đổ một ca nước vào giày cậu học trò khiến cậu bừng tỉnh, nhận ra bài học đáng ngẫm.
Theo giadinhonline.vn