Vì sao nhiều người gãi rách da, rách thịt hậu Covid-19?
Biểu hiện trên da gặp ở nhiều bệnh nhân Covid-19 và sau khi khỏi Covid-19, có những bệnh nhân rơi vào trạng thái dị ứng, ngứa điên đảo.
Chị Nguyễn Thị Hà (Đông Triều, Quảng Ninh) than thở sau khi khỏi Covid-19 được 3 ngày, chị Hà bắt đầu bị ngứa và nổi mẩn. Các mẩn trên da đủ hình thù và gây ngứa. Ban đầu, chị Hà chỉ xoa xoa để giảm cảm giác ngứa nhưng vẫn không chịu được nên chị gãi bằng móng tay.
Chị Hà hỏi bác sĩ thì được nói có thể do lười tắm gây ngứa. Chị Hà kiêng tắm trong thời gian mắc bệnh nhưng sau đó đã vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ nhưng hiện tượng ngứa, phù nề trên da vẫn không dứt.
Mỗi ngày, chị uống thuốc kháng histamin và kéo dài 1 tháng qua tình trạng ngứa vẫn chưa có dấu hiệu khỏi.
Không riêng chị Hà, trong cộng đồng những người khỏi Covid-19 trên mạng xã hội nhiều người vào than thở ngứa, dị ứng, mề đay.
Anh Nguyễn Ngọc – thành viên trong Hội mề đay cho biết trước đó anh đã khỏi mề đay được hơn 1 năm và khi bị Covid-19 thì tình trạng mề đay lại xuất hiện trở lại khiến anh Ngọc vô cùng khó chịu.
Những sẩn trên da to như ngón tay lan rộng khắp mình. Đã 3 tuần âm tính, tình trạng dị ứng mề đay vẫn xuất hiện hàng ngày. Nếu không uống thuốc thì cả đêm chỉ nằm gãi vì không ngủ nổi.
Theo ThS.BS Trần Thị Thanh Mai - Phó Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, bà cũng gặp rất nhiều người bệnh than phiền hậu Covid-19 bị các bệnh lý về da.
Tổn thương da hậu Covid-19 có nguy hiểm. |
Bác sĩ Mai cho biết khi nhiễm Covid-19 triệu chứng ngoài da ít nhưng sau này có nhiều tài liệu công bố sau Covid-19 nhiều người vẫn bị phát ban. Người ta thấy nó có liên quan tới miễn dịch.
Các triệu chứng của phát ban có thể là người bệnh bị nổi ban có thể trong giai đoạn cấp tính hoặc có thể sau khi khỏi.
Triệu chứng có thể xuất hiện từ ngày thứ 2 tới ngày thứ 10, có người bị từ ngày thứ 10 trở đi, có những người bị sau đó từ 2 tuần tới vài tháng.
BS Mai cho biết phát ban của bệnh nhân Covid-19 rất đa dạng. Người bệnh có nhiều biểu hiện khác nhau như: ngứa không có sang thương nào trên da mà chỉ có sang thương do gãi, có sang thương màu hồng.
Các phát ban có thể gồ lên mặt da dạng sẩn hoặc mề đay thực sự, người bệnh phát ban dạng lưới nằm trên đùi của bệnh nhân gây rát. BS Mai gặp rất nhiều trường hợp có người thì lại có mụn nước giống thuỷ đậu.
Có bệnh nhân thay đổi màu sắc da, có những đốm nổi hơn bình thường, giảm sắc tố. Thậm chí, có bệnh nhân tìm tới bác sĩ than thở bỗng nhiên bị bạch biến.
Một số bệnh nhân bị bệnh da sẵn nếu mắc Covid-19 có thể khiến bệnh nặng hơn ví dụ như người bị trứng cá, người bị vảy nến, người bị viêm da…
Khi có các biểu hiện trên da thông thường người bệnh chỉ xử lý tại chỗ, đa số là nhẹ sẽ tự hết. Nhiều người có thói quen đổ do Covid-19 nhưng thực ra cũng không hẳn do Covid-19.
Người bệnh không nên quá lo lắng vì lo lắng quá có thể làm tăng cảm giác ngứa, không nên gãi, khi dùng xà phòng và chất tẩy rửa nên sử dụng chất có dưỡng ẩm, chất làm dịu da.
Nên dưỡng ẩm cho da, cố gắng chọn loại không chất bảo quản và mùi thơm, có nồng độ Ph tương ứng với da của mình.
Bạn chọn mặc trang phục không nên dùng trang phục dày, bí, có lông, ren. Nên chọn quần áo cotton. Nếu ngứa quá, bạn có thể uống thuốc kháng histamin. Bạn tuyệt đối không nên dùng kháng sinh hay corticoid dù đường uống hay thoa trên da.
Khi phát ban ngứa quá gãi gây bội nhiễm, mất ngủ bạn có thể tới cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn điều trị.
BS Mai cho biết có nhiều bệnh nhân lo lắng quá mức. Lo lắng quá về một vấn đề có thể dẫn tới tình trạng triệu chứng nặng hơn.
Nếu bạn cứ đọc trên mạng thấy người ta làm gì cũng làm theo có thể gây hậu quả không mong muốn.
Tốt nhất, bạn nên cân bằng chế độ làm việc, nghỉ ngơi. Bạn nên ăn uống đủ chất đạm, chất béo, tinh bột, không cần quá bồi bồ, tránh đồ lên men, chất kích thích.
BS Mai cho rằng một số đồ lên men có thể tăng ngứa. Bạn có thể bổ sung vitamin tổng hợp cho cơ thể.
Khánh Chi