Vì sao Moody’s hạ triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Việc điều chỉnh này dựa trên 6 tiêu chí: môi trường hoạt động (ổn định); rủi ro tài sản (cải thiện), vốn (ổn định); tài trợ và thanh khoản (ổn định); lợi nhuận và hiệu quả (cải thiện); và sự hỗ trợ của chính phủ (ổn định).
Tăng trưởng tín dụng trong nước sẽ ở mức trung bình khoảng 16% vào năm 2018, giảm so với mức 20% năm 2017, khi chính phủ Việt Nam tìm cách kiểm soát lạm phát xuống dưới 4%.
Moody’s dự báo chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam sẽ được cải thiện trong 12-18 tháng tới, vì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp cải thiện khả năng trả nợ của người vay và cho phép các ngân hàng đẩy nhanh việc xóa bỏ các tài sản cũ có vấn đề.
Tuy nhiên, Moody’s cho rằng tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong vài năm gần đây có thể dẫn tới sự suy giảm chất lượng tài sản khi các khoản nợ mới đáo hạn, mặc dù tình trạng này ít có khả năng xảy ra trong giai đoạn tới.
Theo Moody’s, vốn hóa của các ngân hàng cũng sẽ tương đối ổn định. Việc siết chặt tăng trưởng tài sản sẽ làm giảm áp lực lên vốn hóa của ngân hàng, trong khi khả năng tạo vốn nội bộ tiếp tục được cải thiện cùng với khả năng sinh lời tại hầu hết các ngân hàng đã được xếp hạng.
Về lợi nhuận, Moody’s cho rằng khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ tốt hơn vì biên lãi suất sẽ tiếp tục được cải thiện, khi các ngân hàng thúc đẩy hoạt động cho vay trong lĩnh vực bán lẻ và tấn công phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, chi phí tín dụng sẽ giảm khi ngày càng nhiều ngân hàng giảm thiểu lượng tài sản có vấn đề.
Còn về hỗ trợ từ chính phủ, Moody’s nhận định chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng nội khi cần thiết, chủ yếu dưới dạng hỗ trợ thanh khoản và giãn nợ từ Ngân hàng Nhà nước.
Báo cáo “Triển vọng Hệ thống Ngân hàng Việt Nam” được Moody’s công bố chỉ 1 ngày sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó có mục tiêu tiếp tục xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh. Sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn.
Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm sau vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, Quốc hội đã thông qua bao gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...
Nghị quyết cũng yêu cầu điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động và nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ.