Vì sao khó điều tra, truy tố về tội rửa tiền?
Thông tư 09 hướng dẫn điều luật về rửa tiền quy định trong Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ năm 2012, Thông tư này là cơ sở pháp lý cho cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng có căn cứ về tội rửa tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay các vụ án liên quan đến rửa tiền vẫn rất khó điều tra và truy tố. Vì sao vậy?
Hiện nay, vẫn chưa có đối tượng nào bị xử lý với tội danh rửa tiền. Ảnh: Internet |
Theo các cơ quan chức năng trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm cho biết, tội phạm rửa tiền ở Việt Nam có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau để thực hiện việc rửa tiền, từ những đồng tiền có được từ lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy…, chúng đã “rửa sạch” số tiền phạm tội bằng cách thực hiện các giao dịch như mua bán bất động sản, chuyển giao cho người khác.
Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền của Việt nam trong thời gian qua cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Cuối năm 2013, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền - tổ chức liên chính phủ với 33 quốc gia thành viên (FATF) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “đen” thuộc các nước thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, việc đấu tranh còn có những hạn chế, thiếu sót nhất định. Trong nhiều vụ án, nhiều tài sản, tiền bạc đã bị thất thoát do tội phạm gây ra không thu hồi được đã gây thiệt hại lớn cho Nhà nước bởi tài sản, tiền bạc mà người phạm tội có được đã được họ nhanh chóng “phân chia” để đầu tư vào nền kinh tế, tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, đối với các đối tượng phạm tội ở nước ngoài, chúng có thể chuyển “tiền bẩn” từ nước ngoài về Việt Nam để hợp pháp hóa, chuyển sang “tiền sạch”. Theo đó, cách chuyển tiền của bọn chúng có thể qua hệ thống ngân hàng dưới hình thức gửi tiền cho thân nhân, hoặc đầu tư tiền vào các hợp đồng kinh tế “ma”. Thế nhưng, cho đến hiện tại, số vụ và đối tượng phạm tội rửa tiền lại rất khó điều tra, truy tố. Tính đến thời điểm này, vẫn chưa có đối tượng nào bị xử lý với tội danh trên.
Cơ quan chức năng cho hay, công tác điều tra trong hoạt động rửa tiền gặp nhiều khó khăn do các đầu gửi từ nước ngoài về, việc hợp tác để xác minh về người gửi kéo dài quá lâu gây khó khăn cho công tác điều tra, trong khi thời gian điều tra vụ việc là có hạn. Do tội phạm rửa tiền ở nước ngoài rất tinh vi, khó phát hiện.
Một luật sư chia sẻ thêm, thực tế hiện nay, việc xét xử đối với những người phạm tội chiếm đoạt tài sản từ việc thực hiện tội phạm, và sau đó hợp pháp hóa hoặc sử dụng tài sản đã chiếm đoạt được vào các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác, thì người phạm tội cũng chỉ bị truy tố về hành vi phạm tội nguồn mà không đồng thời bị truy tố theo Điều 251 Bộ luật hình sự.
Theo TS. Nguyễn Minh Hiển (Học viện Cảnh sát nhân dân), do chính sách pháp luật phòng, chống rửa tiền của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được thực tiễn đấu tranh chống tội phạm này. Hơn nữa, sự hiểu biết về tội phạm rửa tiền của nhân viên thực thi pháp luật như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán… còn hạn chế. Trong khi đó hoạt động đào tạo về lĩnh vực này chưa được chú trọng. Do vậy, nhiều khi, lực lượng thi hành pháp luật rất lúng túng trong việc đối phó với tội phạm rửa tiền. Đây là lý do vì sao cho đến nay, hiệu quả phát hiện và điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án rửa tiền rất hạn chế.
“Việt Nam chưa hình thành tổ chức bộ máy chuyên trách về phòng, chống rửa tiền như lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền của nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, các chính sách và thủ tục tài chính hiệu quả về chống rửa tiền còn thiếu và yếu”, TS Nguyễn Minh Hiển cho hay.