Vì sao khó chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán?
Theo khoản 5 Điều 22, Luật Phòng chống rửa tiền về báo cáo giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán gồm: Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam; Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc; Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi; Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng; Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.
Giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản mới được áp dụng với những giao dịch trên sàn chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán.... còn thị trường sơ cấp, thứ cấp thì bị bỏ ngỏ |
Theo đó, các công ty chứng khoán phải có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản, thời hạn báo cáo tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch.
Thừa nhận chứng khoán là một trong các lĩnh vực khó chống rửa tiền, bởi trong lĩnh vực chứng khoán mới quy định bắt buộc các giao dịch qua sàn chứng khoán, Sở Lưu ký chứng khoán … phải chuyển khoản. Còn với các thị trường thứ cấp, sơ cấp… thì chưa thực hiện được quy định này.
Để chính sách tiếp tục phù hợp với yêu cầu phát triển, về phía Bộ Tài chính đã tính đến việc xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng, tạo hành lang pháp lý hướng dẫn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thực hiện tốt công tác phòng chống rửa tiền. Nhưng, vẫn đảm bảo nguyên tắc không nhằm mục đích can thiệp vào hoạt động đầu tư chứng khoán mà chỉ là các hướng dẫn nghiệp vụ việc phòng, chống hành vi rửa tiền thông qua hoạt động đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng mà không tạo ra nhiều gánh nặng về chi phí và nguồn lực cho công ty chứng khoán.