Vì sao giới trẻ Trung Quốc 'lười' kết hôn, thích cô đơn và tự do?
SCMP đưa tin, số lượng các lễ cưới ở Trung Quốc đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do tổ chức đám cưới ngày càng đòi hỏi nhiều chi phí và quan điểm sống trong hôn nhân của giới trẻ Trung Quốc nhìn chung đã thay đổi. SCMP trích dẫn một số thống kê cho thấy giới trẻ Trung Quốc ngày càng thích chọn cách sống cô đơn và tự do.
Xã hội Trung Quốc đang thay đổi nhiều giá trị và quan niệm theo đó thế hệ trẻ nước này chọn cách hoãn đám cưới. Chi phí cao, cũng như thay đổi thái độ đối với cuộc sống gia đình đã dẫn đến việc giảm số lượng các cuộc hôn nhân. Hôn nhân, theo đó không còn là “nghĩa vụ” mà trở thành sự lựa chọn.
Giới trẻ Trung Quốc ngày càng “lười” kết hôn. (Ảnh: The Straits Time) |
Claire Zhao tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu của Mỹ và làm việc với tư cách là một nhà phân tích chiến lược chia sẻ: “Tôi không cảm thấy cần phải có một mối quan hệ yêu đương và kết hôn, nhưng bố mẹ tôi thì có. Vì nó là điều mong mỏi của cha mẹ tôi, có thể tôi cũng phải kết hôn thôi”.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ trong vòng 6 năm, số người Trung Quốc lần đầu tiên kết hôn đã giảm 41%, từ 23,8 triệu người vào năm 2013 xuống chỉ còn 13,9 triệu người trong năm 2019. Năm 2020, chỉ có khoảng 8,1 triệu cặp kết hôn.
Giới chức Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần đến từ các chính sách hạn chế gia tăng dân số của nước này trong nhiều thập kỷ qua. Sự thay đổi quan điểm về hôn nhân, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ tuổi, cũng là một trong những yếu tố tác động đến quyết định kết hôn.
Trong khi đó, đối với một số người, hôn nhân có thể là một vấn đề tài chính vì nó rất tốn kém.
Pei Na, một cư dân ở Thượng Hải cho biết: “Nếu bạn chuẩn bị kết hôn ở Thượng Hải, bạn sẽ cần một sổ hộ khẩu đăng ký cư trú. Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần một căn hộ, rất có thể được đăng ký dưới tên của cả hai vợ chồng mới cưới, và người đàn ông cũng phải có của hồi môn lớn”.
Theo đó, thái độ đối với lý do chính của hôn nhân cũng đang thay đổi. Theo một cuộc khảo sát năm 2019, 70% thanh niên sẵn sàng chờ đợi “người phù hợp”. Họ có những cảm xúc phức tạp và đan xen đối với hôn nhân. Rất nhiều trong số đó cảm thấy cần sự tự do hơn và muốn được sống độc thân.
“Nhiều người cùng độ tuổi của tôi không vội kết hôn hoặc sinh con. Rốt cuộc, điều này đòi hỏi phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tiền bạc. Những quyết định như vậy ảnh hưởng đến mức sống của chúng tôi”, Yuan Zhaohui, lập trình viên nói.
Ngoài ra, các thống kê cũng cho thấy cả nam giới và nữ giới tại Trung Quốc đều đang trì hoãn hôn nhân. Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từ năm 1990 đến năm 2016, độ tuổi kết hôn trung bình ở nữ giới tăng từ 22 lên 25. Độ tuổi kết hôn trung bình ở nam giới cũng tăng từ 24 lên 27. Ở những thành phố lớn, ví dụ như Thượng Hải, vào năm 2015, độ tuổi kết hôn trung bình ở nam giới thậm chí lên tới 30, trong khi ở nữ giới là 28.
Trung Quốc không chỉ là quốc gia duy nhất có tỷ lệ kết hôn giảm. Trên toàn cầu, tỉ lệ kết hôn cũng giảm sau vài thập kỷ, đặc biệt tại các quốc gia phương Tây giàu có. Ông Wei-Jun Jean Yeung, nhà xã hội học thuộc Đại học Quốc gia Singapore chuyên nghiên cứu các vấn đề về hôn nhân và gia đình tại châu Á cho biết, so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) hay Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc vẫn có tỷ lệ kết hôn cao nhất.
Những khoảnh khắc đặc sắc trên khắp thế giới tuần qua
Những hình ảnh nổi bật dưới đây ghi lại các sự kiện nóng và đặc sắc nhất trên khắp thế giới tuần qua.
Thanh Bình (lược dịch)