Vì sao camera nhà Văn Mai Hương bị lấy cắp video nhạy cảm?
Ngày 28/12, video được đăng trên một trang web phim người lớn được cho là quay lại cảnh sinh hoạt của ca sĩ Văn Mai Hương. Những video này được ghi lại từ năm 2015 qua camera IP (camera giám sát) trong căn hộ của nữ ca sĩ.
Phía Văn Mai Hương hiện chưa có bất kỳ phát ngôn nào về vụ việc. Tuy vậy, nhiều khả năng, trong bước lắp đặt camera, nữ ca sĩ đã để lộ thông tin truy cập.
Có thể xảy ra sai sót từ lúc lắp đặt
Camera IP được lắp ở nhà Văn Mai Hương là thiết bị ghi hình độc lập. Thiết bị này chỉ cần mạng Wi-Fi là có thể sử dụng. Dữ liệu từ camera sẽ được truyền và lưu trữ lên máy chủ của hãng camera.
Chính vì vậy, trường hợp video riêng tư của Văn Mai Hương bị lộ có thể do thông tin truy cập vào camera đã bị hacker tấn công. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp người lắp camera cho gia đình nữ ca sĩ đã làm việc này.
Những video nhạy cảm được cho là của Văn Mai Hương có từ 4 năm trước. |
"Vấn đề ở đây nằm ở đạo đức nghề nghiệp chứ không phải bảo mật camera. Việc giữ thông tin đăng nhập bản thân tôi cũng thường làm", anh Nguyễn Sỹ Hoàng Long, kinh doanh dịch vụ camera an ninh tại Đồng Nai cho biết.
Theo anh Long, lưu trữ mật khẩu camera giúp bên cung cấp dịch vụ dễ dàng bảo trì từ xa nếu khách cần gấp. Thêm nữa, người làm dịch vụ có thể đề phòng rủi ro quên mật khẩu của khách hàng. "Mật khẩu này chỉ có hãng mới lưu trữ, nếu quên phải mất rất nhiều thời gian và thủ tục mới có thể khôi phục được", anh Long nói thêm.
Có hai trường hợp khiến khách hàng để lộ thông tin đăng nhập. Trường hợp đầu tiên, người dùng giữ nguyên mật khẩu mặc định từ nhà sản xuất. "Một số thợ mới vào nghề chưa am hiểu, chỉ ráp camera mà không biết cách thay đổi mật khẩu. Đôi khi thợ quá tắc trách, lười thay đổi thông tin đăng nhập", anh Long nói về việc khách hàng thường để mật khẩu mặc định.
"Cả hai trường hợp đều có thể dẫn tới việc dữ liệu video của chủ nhà bị lộ. Tuy nhiên mối nguy hiểm từ trường hợp một cao hơn và thường đến từ hacker, bằng cách quét thiết bị theo tên hãng, IP và mật khẩu mặc định", anh Long chia sẻ.
Theo anh Long, người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu người lắp đặt hướng dẫn cách tự thay đổi thông tin đăng nhập. "Mật khẩu cần kết hợp chữ, số, ký tự đặc biệt. Tuy nhiên để tránh rắc rối khi quên mật khẩu, người dùng nên lưu trữ chuỗi đăng nhập ở nơi an toàn. Nếu có vấn đề bảo hành từ xa thì cung cấp thông tin. Xong việc đổi lại ngay", anh Long chia sẻ cách tự bảo vệ thiết bị an ninh của gia đình.
Ngoài khả năng lộ thông tin đăng nhập trong quá trình lắp đặt, camera nhà Văn Mai Hương có thể đã bị tấn công có chủ đích bởi hacker.
Không nên chọn camera an ninh hàng trôi nổi
Ngày nay, người dùng chỉ cần bỏ ra từ 6-8 triệu đồng là có thể trang bị cho căn nhà của mình hệ thống 4 camera kết nối với smartphone.
Đa phần camera từ các thương hiệu Âu Mỹ có giá khá cao. "Những loại này thường được khách hàng là cơ quan, công ty lắp đặt do có độ phân giải cao. Với hộ gia đình chỉ cần quan sát trong cự ly ngắn, họ thường chọn các sản phẩm giá rẻ", anh Long cho biết.
Lộ thông tin truy cập camera IP có thể khiến người dùng bị xâm hại hình ảnh cá nhân. |
Độ phân giải chỉ là một phần quyết định giá thiết bị. Phần còn lại nằm ở dịch vụ hậu mãi và máy chủ lưu trữ dữ liệu. Theo anh Long, các thương hiệu có tên tuổi thường đặt máy chủ tại Việt Nam, đảm bảo tốc độ đường truyền. Ngoài ra họ đầu tư nhân sự để điều hành và bảo vệ máy chủ này.
Với các loại hàng trôi nổi, người dùng không thể biết video của mình đang nằm trong tay ai và có được bảo vệ hay không. Do đó, anh này khuyến khích người dùng nên chọn những thương hiệu uy tín để tránh rủi ro về sau.
Trước Văn Mai Hương, video của một cặp vợ chồng cũng từng bị chính thợ lắp đặt camera tung lên Facebook vào năm 2017. Người đăng bài viết tự nhận mình làm nghề lắp đặt camera an ninh.
Năm 2014, Internet từng xôn xao về trang web Insecam, nơi tập hợp hơn 700.000 video từ những camera để nguyên mật khẩu mặc định. Theo giới thiệu từ trang web này, người dùng có thể theo dõi hình ảnh ghi được từ camera của rất nhiều hãng sản xuất như Panasonic, TPLink, Linksys, Sony... Nguy hiểm hơn các video này ghi rõ tỉnh thành, quốc gia, tọa độ địa lý của nơi lắp đặt camera.
Hiện có hơn 200 camera tại Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi công khai của trang web này.