Vì sao Ba Lan ủng hộ phe đối lập Belarus?
Tờ Le Monde của Pháp nhận định, chính quyền Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ phe đối lập Belarus, ủng hộ nền dân chủ, kinh tế thị trường và quan hệ hợp tác giữa Belarus - phương Tây.
Theo Le Monde, mới đây, lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya đã có mặt ở Ba Lan và cuộc gặp này được tổ chức theo nghi thức của một chuyến thăm chính thức. Tình hình cho thấy rõ ràng Ba Lan muốn đứng đầu các quốc gia ủng hộ một “Belarus tự do”. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trong cuộc gặp với bà Tikhanovskaya đã hứa sẽ sớm đưa ra một kế hoạch kinh tế cho thấy châu Âu đang mở cửa cho Belarus.
Như vậy, Ba Lan đã khẳng định hình ảnh của mình là “không tốt” trong mắt các nhà chức trách Belarus. Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko liên tục nhấn mạnh các cuộc biểu tình đòi ông từ chức của dân chúng là một âm mưu của nước ngoài, đặc biệt là của người Ba Lan. Theo ông Lukashenko, Ba Lan muốn lấy lại các vùng biên giới của Belarus vốn thuộc về nước này từ năm 1919 đến năm 1939.
Bản thân Ba Lan bác bỏ mọi cáo buộc như vậy, nhưng đồng thời không che giấu các hoạt động ngoại giao theo hướng chống lại Belarus. Do đó, theo sáng kiến của Ba Lan, một cuộc họp bất thường của Hội đồng châu Âu đã được triệu tập, cuộc họp được cho là sẽ đưa ra câu trả lời cho người dân Belarus đối với những thay đổi. Ngoài ra, Ba Lan cũng tuyên bố sẽ tăng cường tài trợ cho các phương tiện truyền thông độc lập và những người dân là “nạn nhân của chế độ Belarus”.
“Những hoạt động như vậy không phải là mới đối với Ba Lan. Năm 2006, sau các cuộc bầu cử và biểu tình ở Belarus, Ba Lan đã trao học bổng cho những sinh viên bị trục xuất khỏi các trường đại học Belarus vì lý do chính trị”, Le Monde viết.
Biểu tình ở Belarus diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8. (Ảnh: RIA) |
Theo các chuyên gia, kể từ năm 1991 Ba Lan đã có một sự đồng thuận chính trị nhất định liên quan đến chính sách hướng Đông. Và ngày nay mặc dù có sự phân cực của dư luận rất cao, nhưng chính quyền Ba Lan vẫn nhất trí ủng hộ phe đối lập Belarus. Kể từ những năm 1950 chính quyền Ba Lan đã ủng hộ nền độc lập của Belarus, Ukraine và Litva.
Trước đây, Ba Lan hứa hẹn với các nước láng giềng phía đông về dân chủ hóa, kinh tế thị trường và quan hệ hợp tác với phương Tây đây là tất cả những gì mà nước này có được sau khi Liên Xô sụp đổ. Ngay sau khi Ba Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), nước này đã trở thành nước ủng hộ việc mở rộng các tổ chức này sang phía đông. Ba Lan cũng đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, chẳng hạn như ở Ukraine.
Đồng thời, theo kinh nghiệm của Kiev, nơi mà sự lựa chọn của châu Âu phải trả giá bằng Crimea và cuộc xung đột ở Donbass, cho Ba Lan thấy rằng trong trường hợp có sự can thiệp của Nga, tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn cho toàn bộ khu vực so với nếu Tổng thống Lukashenko vẫn nắm quyền.
“Tuy nhiên, ngày nay uy tín của chính Ba Lan với tư cách là một nhà truyền giáo của nền dân chủ đã bị suy giảm. Do đó, các nước phương Tây sẽ không đáp lại lời kêu gọi của Ba Lan để có những hành động tích cực hơn đối với vấn đề Belarus”, Le Monde nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki kêu gọi Nga ngay lập tức từ bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Belarus với lý do vi phạm luật pháp quốc tế và các vấn đề nhân quyền của người dân Belarus. Ba Lan cũng triệu tập đại sứ Belarus tại nước này để phản đối những cáo buộc vô căn cứ sau khi truyền thông Belarus thông tin Tổng thống Lukashenko đã cáo buộc Warsaw âm mưu chiếm lấy một phần đất nước nếu cuộc khủng hoảng Belarus trở nên tồi tệ đi.
Đồng thời, đài phát thanh Ba Lan dẫn lời Ngoại trưởng Zbigniew Rau khi nói về vai trò của Nga tại Belarus cho rằng, Moscow vừa muốn duy trì ảnh hưởng với Minsk, song cũng muốn cải thiện quan hệ với phương Tây. Đây là nghịch lý và đặt Nga vào tình huống rất khó khăn.
Có những kịch bản nào khi Đức từ bỏ Nord Stream 2?
Theo Politico, Đức có 6 phương án từ bỏ không tham gia đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).
Thanh Bình (lược dịch)