Vì… buồn, nam sinh lớp 8 uống 40 viên paracetamol
Mới đây, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, đã tiếp nhận và điều trị một nam bệnh nhi với lý do nhập viện là ngộ độc paracetamol.
Em N.N.L. (sinh năm 2008), trú tại Quận 3, TP.HCM. Qua lời kể của người nhà, những ngày trước đó em vẫn tham dự tiệc với người thân như bình thường.
Tuy nhiên, do bố mẹ em L. đang bận đi công tác ở xa. Cách 3 giờ trước khi vào bệnh viện thì em đã đóng cửa một mình trong nhà. Tiếp đó, em thông báo với bà nội qua điện thoại than buồn nên đã uống 40 viên thuốc paracetamol loại 500 mg.
Sau khi được các bác sĩ tại khoa Cấp cứu ra sức cứu chữa, em đã được chuyển sang khoa Nội tổng hợp và tiếp tục theo dõi.
Việc tự ý sử dụng quá liều và không có sự kiểm soát của bác sĩ với paracetamol là vô cùng nguy hiểm. Có thể trực tiếp ảnh hưởng đến gan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Trước khi mọi hoạt động được trở về trạng thái bình thường mới, các bạn nhỏ đã phải học tập và giải trí trong môi trường vô cùng hạn chế. Phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý của các em.
Những trường hợp như bé L., vì những phút nông nổi nên lựa chọn những kết cục như thế này đang ngày càng tăng dần. Bố mẹ và người thân nên dành thời gian để quan tâm con, chơi với con nhiều hơn. Từ đó kịp thời gỡ rối, hay tiếp cận các vấn đề thầm kín của con từ trong học tập đến các vấn đề xã hội.
Trẻ uống paracetamol dẫn tới ngộ độc. |
Thạc sĩ Tâm lý Mai Thị Nguyệt - Khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết
thực tế cho thấy, đời sống ngày càng áp lực cao với những yêu cầu ngày một khắt khe nó đòi hỏi trẻ luôn phải nỗ lực để vượt qua, để thành công hay thỏa mãn sự mong đợi của người lớn đặc biệt các bậc cha mẹ luôn đặt ước mơ mình trên đôi cánh của con cái, việc này gây nên áp lực rất lớn cho trẻ dẫn đến tình trạng stress của lứa tuổi học sinh ngày càng tăng cao và ở nhiều mức độ khác nhau.
Theo thạc sĩ Nguyệt, stress ở mức độ vừa phải nó huy động nguồn lực giúp con người vượt qua và thành công hơn, tuy nhiên nếu căng thẳng thường xuyên và với cường độ cao thì nó khiến con người khó có thể vượt qua và phá vỡ ứng xử… gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát có thể gây nguy hiểm cho người khác.
Không phải ai cũng có kĩ năng giải quyết tốt những căng thẳng tâm lí tiêu cực. Đặc biệt, đối với trẻ em tuổi học đường, khi mà giai đoạn phát triển tâm lý lứa tuổi khá phức tạp vì sự phát triển nhanh chóng về tâm lý và thể chất mà cơ thể đôi khi khi không đáp ứng một cách đồng bộ được, dẫn đến căng thẳng tâm lí gây rối loạn hành vi và cảm xúc của trẻ. Nếu sức khỏe tâm thần của bản thân bị mất kiểm soát sẽ dẫn đến những rối loạn tâm lí gây hậu quả khôn lường.
Trong quá trình làm việc hàng ngày thạc sĩ Nguyệt cũng xúc rất nhiều đối tượng học sinh ở các lứa tuổi với nhiều biểu hiện căng thẳng tâm lý khác nhau, hầu hết các em đều có những biểu hiện rối loạn hành vi cảm xúc thậm chí dẫn đến trầm cảm, tự tử, kích động quá mức hoặc thu hẹp giao tiếp… trong đó chủ yếu nguyên nhân đến từ áp lực từ phía gia đình và nhà trường.
Một số em được sống trong gia đình có đầy đủ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ tới mức “ngộp thở”, hay một số khác lại bị cha mẹ lên án chỉ trích hay bỏ bê … đều là nhân tố kích thích dẫn đến căng thẳng tâm lý cho trẻ.
Khi thấy con có biểu hiện stress, phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của trẻ cả trong gia đình và ở nhà trường, để giúp trẻ giảm tải áp lực từ học tập đông thời giúp trẻ thiết lập mối quan hệ tích cực từ môi trường gia đình và bạn bè.
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động đoàn đội, vui chơi tập thể và luyện tập thể thao để giảm bớt căng thẳng nội tâm.
Trong trường hợp trẻ không có dấu hiệu cải thiện, hãy đưa trẻ đến gặp Bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để can thiệp kịp thời giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tránh tình trạng để trẻ căng thẳng quá lâu dẫn đến rối loạn lo âu hoặc trầm cảm gây ra những hậu quả không lường như: tự hủy hoại bản thân, tự tử hay nghiện ngập...
Khánh Chi