Về nơi "Trường Sa cạn" ở Mường Khương: Xa huyện, xa dân và... xa cả nước!
Với người dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai nói chung và hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu nói riêng, mùa khô là mùa “giáp hạt” không chỉ vì thiếu đói mà còn khan hiếm nước trầm trọng.
Dìn Chin và Tả Gia Khâu từ lâu đã được ví như “Trường Sa cạn” của Việt Nam với 3 cái nhất: Xa huyện nhất; ít dân nhân huyện; và thiếu nước nhất huyện.
Mỗi khi mùa khô đến, không chỉ hoa màu không thể gieo trồng do đất bị khô hoá, đời sống của bà con cũng bị khốn đốn khi không có nước sinh hoạt. Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc nơi đây buộc phải thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, giống như một thứ “trời định”, và họ đã tìm mọi cách để vượt qua hoàn cảnh, giống như cây ngô của người Mông trồng trên các khe đá với rất ít đất để nuôi dưỡng.
Anh Vàng Seo Pao - dân tộc Mông, thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương - cho hay, mùa khô đến bà con nơi đây thường sử dụng chum nhựa loại 30 lít do Trung Quốc sản xuất để chứa nước, nhưng tuổi thọ của những chum này thường chỉ được hơn 1 năm. Mỗi chum như vậy chỉ đủ cho việc nấu nướng trong 1 ngày, còn việc tắm giặt thì phải đi xa nơi có những khe nước nhỏ như… ngón tay.
Anh Vàng Seo Pao - dân tộc Mông, thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương |
Do đặc điểm địa chất ở huyện Mường Khương là đá xít (đá thối) nên mỗi khi có mưa là nước lại trôi tuột đi, không giữ lại được nước trong lòng đất. Đã có nhiều đoàn khảo sát đến với hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu để khoan thăm dò tìm mạch nước ngầm, nhưng đến nay công tác tìm kiếm mạch nước ngầm cho bà con vẫn chưa có kết quả.
Do đó, người dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa để phục vụ cho sinh hoạt. Mùa mưa là thời điểm thích hợp nhất để tích trữ nước cho các hộ gia đình cũng như các trường học.
Theo ông Lù Phủ Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Dìn Chin, trên địa bàn 2 xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu có 5 thôn bản phải hoàn toàn dựa vào nước mưa vì không có bất kỳ chỗ nào có thể dẫn nước về hộ gia đình.
“Với những hộ gia đình có điều kiện, có thể xây bể nhỏ chứa nước mưa, nhưng nếu trời nắng kéo dài, bà con nơi đây phải dùng ngựa để thồ nước hoặc chở bằng xe máy, cách nhà 2-3km. Từ trung tâm xã Tả Gia Khâu đến thôn Dìn Chải không có nguồn nước nào được dẫn về, tình trạng này cũng diễn ra với 4 thôn bản của xã Dìn Chin”, ông Lù Phủ Hưng nói.
Nét hồn nhiên của các em nhỏ xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. |
Khó khăn trong sinh hoạt của người dân cũng chính là khó khăn của các thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây, đặc biệt là những trường phổ thông dân tộc bán trú. Để khắc phục tình trạng khan hiếm nước, giáo viên và học sinh từ cấp học mầm non đến Trung học cơ sở tại hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin phải bằng mọi cách để có nước sinh hoạt.
Trong đó, tích trữ nước mưa là phương án khả quan nhất tại hai xã này, người dân và các giáo viên phải tận dụng mọi vật dụng có thể để tích trữ nước sinh hoạt. Thậm chí, tại điểm trường Lao Chải (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học cơ sở Tả Gia Khâu) nơi có 30 học sinh và 3 giáo viên, các thầy cô giáo phải trữ nước bằng… thùng đựng rác.
Ông Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học cơ sở Tả Gia Khâu bên thùng nước được các thầy cô tại điểm trường Lao Chải tận dụng từ thùng đựng rác. |
Theo Trung tá Khổng Hữu Huân - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - là những người sống cùng đồng bào, cùng các thầy cô giáo và học sinh, mong muốn lớn nhất của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu là có sự đồng cảm, chia sẻ, cũng như tuyên truyền hơn nữa để mọi người hiểu hơn về cuộc sống của bà con nơi đây, từ đó có những kết nối để có nhiều hơn nữa sự giúp đỡ từ cộng đồng đối với người dân, đặc biệt là các cháu học sinh.
Nói về những vất vả của thầy và trò khi thiếu nước, ông Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học cơ sở Tả Gia Khâu, cho biết điểm trường chính có 34 giáo viên, mỗi khi đến nhà vận động học sinh đi học, các thầy cô thường phải mang theo quần áo để… tắm nhờ.
Thậm chí, một giải pháp được nhà trường đưa ra là vào mùa đông trời mù sương, nhà trường phải hứng nước đọng lại từ sương mù rơi xuống mái tôn, mỗi một đêm như vậy cũng được gần 1.000 lít nước. Nhưng phương pháp lấy nước có một không hai này cũng không thể đủ dùng cho 118 học sinh bán trú.
“Trong thời gian qua, việc chứa nước và tích nước của cả điểm trường chính và các điểm bản gần như không có do sự khan hiếm về nguồn nước. Vào những thời điểm nguồn nước cạn kiệt, nhà trường phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu và chính quyền địa phương chở nước đến các điểm trường,” ông Phùng Thế Tùng cho hay.
Bể chứa nước của Trường Phố thông dân tộc bán trú THCS Tả Gia Khâu. |
Nhưng ngay cả khi trời mưa to, nhà trường cũng không thể tận dụng hết cơn mưa “quý hơn vàng” do không có đủ bể chứa nước mưa.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học cơ sở Dìn Chin, với 1 điểm trường chính và 3 điểm bản, toàn trường có 279 học sinh, trong đó 98% là học sinh người Mông. Theo bà Đỗ Thị Tươi, Hiệu trưởng nhà trường, vào mùa mưa, các điểm trường cũng như bà con nơi đây phải huy động mọi dụng cụ có thể chứa nước.
Thời điểm hiện tại, khi mùa khô chưa đến, nhà trường có thể tận dụng nguồn nước từ một khe nhỏ chảy trên núi xuống cách điểm trường chính khoảng 500m. Ngoài giờ lên lớp, học sinh bán trú tiểu học còn phải mang can 5 lít đi lấy nước về đổ vào bể.
Học sinh trường Tiểu học Dìn Chin xách nước về trường. |
Thậm chí có thời điểm các thầy cô giáo phải đi xa 4-5km mới có được một khe nước to bằng… đầu ngón tay cái để hứng nước, mỗi thầy cô phải chở 5 can, mỗi can 20 lít.
“Chỉ một khe nước nhỏ cách trường 4-5km nhưng mỗi thầy cô phải chở 5 can/chuyến, mỗi can chứa được 20 lít nước là 100 lít. Các thầy cô chở về đổ vào bể và phải dùng hết sức tiết kiệm. Ngay cả nước vo gạo và nước rửa rau cũng được các thầy cô tận dụng để tưới cây”, bà Đỗ Thị Tươi cho hay.
Trong khi đó, với trẻ mầm non, để có thêm nước sinh hoạt, các cô giáo Trường Mầm non Dìn Chin phải vận động mỗi một học sinh đi học mang theo một chai 1,5 lít để hỗ trợ cho việc nấu nướng, rửa chân tay.
Trao đổi với chúng tôi vào một ngày cuối tháng 9/2018, bà Đỗ Thị Tươi còn tỏ ra tiếc nuối vì mới ngày hôm trước trời mưa rất to, nhưng nhà trường không có đủ dụng cụ chứa nước nên không thể tận dụng hết món quà “trời cho” này.
Người dân xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương. |