Vẫn phổ biến quan niệm phổ biến phụ nữ là "người kiếm tiền phụ"
Bất chấp những tiến bộ của phụ nữ trong nền kinh tế, hiện vẫn tồn tại phổ biến quan niệm phụ nữ chỉ là "người kiếm tiền phụ", nam giới mới là những người có thu nhập chính.
Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa vào chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trên các lĩnh vực.
Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam tham gia vào hoạt động kinh tế rất nhiều. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội dẫn một số liệu thống kế cho thấy: “Khoảng 70 % phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động xã hội. Phụ nữ Việt Nam đã tham gia vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội, kể cả những lĩnh vực thường dành cho nam giới. Đó là cơ hội rất tốt giúp khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ”.
Vị nữ Tiến sĩ cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, nếu được thực sự khuyến khích hơn nữa, được san sẻ bớt gánh nặng gia đình, được ghi nhận hơn nữa, được hỗ trợ bởi các dịch vụ xã hội....thì phụ nữ Việt Nam sẽ đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn rất nhiều nữa cho sự phát triển chung của đất nước.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, theo Báo cáo “Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021” vừa được Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp công bố mới đây, thì vẫn còn định kiến giới sâu sắc về sự tham gia kinh tế của phụ nữ. Ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác, vẫn có quan niệm phổ biến về việc phụ nữ là "người kiếm tiền phụ", trong khi nam giới mới được coi là những người có thu nhập chính. Điều này được ghi nhận ở cả môi trường thành thị và nông thôn.
Sau Thái Lan, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ trong các hội đồng quản trị được niêm yết công khai cao nhất trong số các công ty ở khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tỷ lệ 15,4% này vẫn ở mức thấp (Thái Lan ở mức 20,4%).
Việt Nam cũng đứng thứ hai khu vực về phụ nữ giữ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị (7,8%), sau Indonesia (11,7%). Hiện vẫn còn 47% công ty niêm yết tại Việt Nam không có phụ nữ nào trong hội đồng quản trị.
Trên phạm vi cả nước, mới chỉ có 17% doanh nghiệp lớn do phụ nữ điều hành. Đáng chú ý, chỉ 0,4% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ nữ quản lý trong các công ty thuộc sở hữu nước ngoài là 34,1% (2019).
Chỉ có 23% hợp tác xã nông nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Tỷ lệ nữ đại diện ở cấp huyện và cấp xã còn rất thấp. Trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định liên quan đến sản xuất nông nghiệp, phụ nữ nói chung và đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số thường bị gạt ra ngoài lề. Mặc dù thực tế ở nông thôn, phụ nữ chiếm phần đông hơn nam giới trong lực lượng lao động nông nghiệp.
Trả lời khảo sát của các chuyên gia thực hiện Báo cáo, phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh cho biết họ thường gặp phải định kiến xã hội, bao gồm cả nhận thức rằng năng lực ‘tự nhiên’ của phụ nữ là làm việc nhà chứ không phải làm quản lý và kinh doanh, ý tưởng cho rằng phụ nữ nên đảm nhận một vị trí phụ trợ ('vị trí thứ hai') thay vì đảm nhận vai trò lãnh đạo cao nhất vì họ nên tập trung vào chăm sóc con cái và gia đình, hoặc phụ nữ không thích mạo hiểm và không có kỹ năng như đàn ông để đưa ra những quyết định táo bạo.
Một trong những trở ngại hàng đầu mà phụ nữ gặp phải khi phát triển kinh doanh là khả năng tiếp cận tín dụng và tài chính (30%). Thời hạn cho vay trung bình đối với phụ nữ là 13,7 tháng, thấp hơn so với 16 tháng đối với nam giới; và gần một nửa (40%) phụ nữ nhận thấy thủ tục vay khó khăn. Việc truy cập thông tin về các chính sách và hỗ trợ kinh doanh hiện có, đặc biệt là về sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, công nghiệp địa phương và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng là những việc khó khăn nhất hiện nay, dù rằng Chính phủ đã yêu cầu những thông tin này phải được công bố rộng rãi.
Ước tính chênh lệch thu nhập theo giới nam và nữ là 29,5%, trong đó chênh lệch ở khu vực thành thị là 21,5% và 35,2% ở khu vực nông thôn. Phụ nữ chiếm đa số trong các phân khúc được trả lương thấp hơn của thị trường lao động và làm việc bán thời gian. Phụ nữ dân tộc thiểu số có việc làm cũng thường có thu nhập thấp hơn 17% so với nam giới.
Từ những con số, số liệu cho thấy bức tranh toàn cảnh về bình đẳng giới ở Việt Nam, các chuyên gia thực hiện Báo cáo “Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021” đã đưa ra 16 khuyến nghị cụ thể. Trong đó có khuyến nghị xóa bỏ những rào cản mà phụ nữ phải đối mặt tại nơi làm việc và kinh doanh, bằng cách thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận công việc an toàn, tươm tất, chính thức và bình đẳng tiếp cận thông tin, tài nguyên, bao gồm tiếp cận thị trường và áp dụng các điều khoản không phân biệt đối xử dành cho phụ nữ ở môi trường kinh doanh.
Hà Minh
Bộ TT&TT thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
Trong những năm qua, Bộ TT&TT đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Các chỉ tiêu đặt ra đều đạt và vượt so với kế hoạch.
Nhiều rào cản lớn trong thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam
Báo cáo “Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021” đã chỉ rõ những rào cản lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời cũng phân tích những vấn đề mới nổi trong đại dịch Covid-19.
VNPT ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển phụ nữ VNPT
Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn VNPT vừa ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển phụ nữ VNPT”. Đây là cơ hội và cũng là trách nhiệm của mỗi phụ nữ VNPT góp phần vào thành công chung của Tập đoàn.
Nỗ lực để phụ nữ, trẻ em Việt sống một cuộc sống không bạo lực
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, Liên Hợp Quốc cam kết hưởng ứng tích cực Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới của Việt Nam.
Sẽ tăng cường áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông
Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông.
Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng Giới
Cùng với lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021, nhiều hoạt động đã được diễn ra tại nhiều cơ quan, đơn vị trên cả nước.
Nhiều doanh nhân nữ đứng vững trong đại dịch
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đứng vững, đạt mức tăng trưởng cao, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, khởi nghiệp và những nữ doanh nhân khác.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực giới
Đó là khuyến nghị của ông Kidong Park, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực 2021 diễn ra mới đây.
Tăng hiệu quả khi lồng ghép giới vào truyền thông quảng cáo
Những chiến dịch truyền thông, quảng cáo có lồng ghép giới sẽ có thể giúp nhiều nhãn hàng tăng hiệu quả kinh doanh.
Tôn vinh giá trị, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái
Được triển khai với cùng chủ đề "Là con gái để tỏa sáng", các sự kiện đều hướng đến mục tiêu nhằm tôn vinh vai trò và giá trị của phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thay đổi định kiến giới.