Vấn nạn mua bán nội tạng nhìn từ Việt Nam
GS Trịnh Hồng Sơn tư vấn trò chuyện với một người đến đăng ký hiến mô tạng khi chết não tại Trung tâm Điều phối ghép cơ thể người Quốc gia. |
Tuy nhiên, từ năm 1992 cho đến nay, đã là 24 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên nhưng số ca ghép tạng ở Việt Nam mới chỉ gần 2.000 ca thành công. Không phải do trình độ kĩ thuật của chúng ta không đủ mà do nguồn cung từ việc hiến mô, tạng quá ít ỏi.
Điều đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc buôn bán người và buôn bán nội tạng trái phép, một vấn đề nhức nhối đang được nhắc đến trong thời gian gần đây...
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết: "Hàng năm ở nước ta có khoảng 1 triệu người bị chấn thương sọ não (trong đó có tới 70 - 80% do tai nạn giao thông). Tại một số bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy... trung bình một ngày có từ 2 - 4 bệnh nhân chết vì chấn thương sọ não nhưng rất ít trường hợp tự nguyện hiến mô tạng. Như vậy có thể thấy, số lượng người không may bị TNGT, bị chấn thương sọ não dẫn tới tử vong là rất lớn, song số lượng mô, tạng được hiến và cứu sống người bệnh vẫn ít...".
Chính vì điều đó đã dẫn tới những “chợ đen mua bán tạng”. Hoạt động này vi phạm pháp luật. Theo Cục cảnh sát PCTP về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, tội phạm mua bán người có tính quốc tế hóa, không chỉ diễn ra ở duy nhất một quốc gia, khu vực nào, hoạt dộng thành những mạng lưới, đường dây mua bán.
Trong đó, địa bàn mua bán chủ yếu từ Việt Nam là sang Trung Quốc (chiếm đến 60 đến 70% tổng số vụ), ngoài ra còn sang các nước như Lào, Đài Loan, Nam Phi, Campuchia… Tội phạm mua bán người thường thu lợi nhuận khổng lồ, được đánh giá là chỉ sau mua bán ma túy.
Về vấn đề mua bán nội tạng trái phép: Ước tính có đến hàng chục ngàn vụ mua bán nội tạng người trái phép xảy ra hàng năm, nhưng trên thực tế, con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Ở Việt Nam mỗi năm có đến hơn 1.000 ca ghép tạng, nhưng rất khó để xác minh được là có trái phép hay không.
Nguyên nhân trước hết là do cầu vượt quá cung. Tại Việt Nam còn thiếu những quy định của pháp luật, nhận thức của người hiến tạng còn thấp và sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn chưa thực sự hiệu quả... Nhu cầu ghép tạng, nhu cầu được chữa bệnh của người dân là rất lớn, nhưng hiểu biết về pháp luật còn hạn chế dẫn đến tình trạng ghép "chui".
Hệ thống pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nghiêm cấm hoàn toàn việc mua bán, kinh doanh nội tạng do những hệ quả khôn lường về mặt xã hội và nhân đạo.