Nhạc sĩ Phong Nhã: Tuổi thơ vẫn ngời trong mắt

Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng nhạc sĩ Phong Nhã vẫn tham gia đệm đàn và hát vang cùng 1.250 em thiếu nhi và 50 nghệ sĩ khắp cả nước bài hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng"

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một MV ca nhạc (Music video) đặc biệt "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" được thực hiện với sự tham gia của 1.250 em thiếu nhi và 50 nghệ sĩ khắp cả nước.

Điều đặc biệt hơn cả là trong sản phẩm âm nhạc mà Hội đồng Đội Trung ương phát hành lần này có sự góp mặt của nhạc sĩ Phong Nhã, tác giả của ca khúc nổi tiếng này và hàng trăm bài hát thiếu nhi khác. Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng nhạc sĩ Phong Nhã vẫn tham gia đệm đàn và hát vang cùng các em thiếu nhi biểu diễn.

Chúng tôi tới gặp và trò chuyện cùng nhạc sĩ Phong Nhã - người được mệnh danh là "Nhạc sĩ của tuổi thơ", "Ông vua dòng nhạc thiếu nhi" một ngày cuối tháng 5, sau khi MV ca nhạc "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" vừa tạo được một hiệu ứng xúc động lớn trong lòng khán giả. Nhắc tới sản phẩm tâm huyết của thiếu nhi cả nước và các nghệ sĩ, thể hiện tình cảm, sự biết ơn của thế hệ trẻ với Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII, dường như trên gương mặt người nhạc sĩ ấy vẫn lấp lánh niềm vui.

Ngoài 90 tuổi, nhạc sĩ Phong Nhã vẫn có được trí nhớ minh mẫn và cách nói chuyện hóm hỉnh, trẻ trung. Kể về MV mà Hội đồng Đội Trung ương vừa thực hiện, nhạc sĩ Phong Nhã dí dỏm: "Video ca nhạc này được quay ở nhiều địa điểm nhưng vì tuổi cao, sức khỏe có hạn nên tôi không tham gia hết được. Các bạn xem sẽ thấy có cảnh tôi đánh đàn piano cho các cháu thiếu nhi hát, nhưng nói thật là tay lập bập lắm rồi, đánh cho vui thôi".

Tuyển tập ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã.

MV ca nhạc "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" ra đời không để chỉ kỷ niệm những sự kiện thiêng liêng của đất nước mà còn ghi dấu "tuổi đời" gần 70 năm của ca khúc này. Từ ngày ra đời tới nay, ca khúc vẫn có một sức sống mãnh liệt, trẻ trung trong tâm hồn các thế hệ thiếu nhi thì quả là một điều vô cùng đáng quý, đáng tự hào.

Nhạc sĩ Phong Nhã chia sẻ: "Bài hát ra đời năm 1946 nhưng thực ra tôi đã có ý tưởng trước đó lâu rồi. Từ một Hướng đạo sinh, trở thành đoàn viên Thanh niên cứu quốc, tôi là người đầu tiên được bổ nhiệm làm Bí thư Hội Nhi đồng cứu quốc Hà Nội. Với nhiệm vụ phụ trách nghi thức đội, lo ca hát cho đội thiếu nhi,  trước đó, tôi đã sáng tác những ca khúc như "Nhanh bước nhanh nhi đồng", "Anh Kim Đồng ơi".

Một lần, khi cùng các cháu trong đội thiếu nhi Nguyễn Thái Học qua khu vực Bộ Ngoại giao, tình cờ chúng tôi gặp Bác. Ấn tượng của tôi về Bác lúc đó là dáng gầy gầy, vầng trán cao, mắt sáng. Đặc biệt là khi đi gần tới các cháu thiếu thi, Bác đưa cả hai tay ra vẫy chào. Hồn hậu và nồng ấm vô cùng. Trong tôi khi ấy đã nảy ra ý tưởng sáng tác ca khúc về Bác Hồ. Rồi lá thư của Bác gửi các cháu thiếu nhi nhân ngày khai trường cũng khiến tôi vô cùng ấn tượng. Sau đó, tôi có một hạnh phúc lớn là được gặp và trò chuyện với Bác. Anh Vũ Kỳ khi ấy là thư ký của Bác nhắn cho tôi là Bác muốn gặp người phụ trách của đội thiếu nhi Hà Nội.

Tôi đến Bắc Bộ Phủ vào một buổi trưa, khi ấy, Bác đang ngồi bên một chiếc bàn gỗ. Người nhẹ nhàng hỏi tôi: "Cậu phụ trách đội Hà Nội à?”. Tôi trả lời: "Dạ thưa Bác, vâng ạ!". Bác hỏi tiếp: "Thế thiếu nhi được tập những gì?". Tôi hào hứng: "Thưa Bác, thiếu nhi được tập diễu hành, đi tuyên truyền… Phong trào thiếu nhi đang lớn mạnh Bác ạ". Bác ôn tồn: "Các cháu hoạt động như vậy là tốt nhưng không nên đi nhiều quá vì dễ ốm. Quan trọng nhất, các chú phải lo cho các em học tập".

Rồi Bác hỏi: "Các cháu lang thang cơ nhỡ thì các chú đã có chương trình gì chưa?". Tôi thú thực: "Chúng cháu đã lên kế hoạch nhưng thời gian vừa qua chưa tổ chức được gì ạ".

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đã giúp tôi "tỉnh ngộ". Lâu nay hứng khởi quá, chúng tôi cứ làm theo phong trào mà chưa có kế hoạch cụ thể việc gì làm trước, việc gì làm sau. Tôi nhớ, trong những buổi họp, anh phụ trách đội thường đặt ra các câu hỏi: "Các cháu yêu ai nhất? Ai yêu thiếu niên nhi đồng nhất?"… Những tiếng hô vang: "Bác Hồ yêu thiếu niên nhi đồng nhất" đã giúp tôi tìm được tứ cho bài hát này. Tôi hoàn thành ca khúc rất nhanh, chỉ trong một đêm.

Khi đặt bút viết, tôi đề ra phương châm là phải sáng tác một ca khúc vui tươi, chân thành, cảm động và có thể hát tập thể được. Bài hát được Đội thiếu nhi Kim đồng hát đầu tiên. Sau đó là các cháu thiếu nhi đội Quang Trung tới hát cho Bác nghe trong lễ kỷ niệm sinh nhật Bác 56 tuổi. Nghe lời ca dí dỏm "Bác nay tuy đã già rồi", Bác cười và hóm hỉnh vặn lại: "Bác đã già đâu". Giờ đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ bút tích đầu tiên của bài hát. Sau này, tôi chép tặng Bảo tàng Bến Nhà rồng, Kho lưu trữ quốc gia và nhiều cơ quan báo chí khác".

"Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" là ca khúc thứ 3 trong sự nghiệp sáng tác về thiếu nhi của "anh phụ trách đội" Phong Nhã. Năm 1999, ca khúc được bầu chọn là bài hát hay nhất về Bác Hồ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong những bài hát có số phiếu cao nhất trong cuộc bình chọn "50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX" do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức năm 2000… Và có lẽ, bài hát đã khơi nguồn một dòng chảy mãnh liệt, một nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn trong tâm hồn người nhạc sĩ tài năng.

Nhạc sĩ Phong Nhã đệm đàn cho các em thiếu nhi trong MV “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.

Cho đến nay, nhạc sĩ Phong Nhã vẫn lập kỷ lục với hơn 250 ca khúc cho thiếu nhi trong suốt cuộc đời làm nhạc của mình. Nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đến nay vẫn hát vang những giai điệu của "Nhanh bước nhanh nhi đồng", "Cùng nhau ta đi lên", “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, "Hành khúc đội"... Những nhà nghiên cứu âm nhạc đều đồng tình cho rằng điểm nổi bật trong ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã là luôn gắn liền với sự kiện phong trào thiếu nhi. Qua những ca khúc của ông, chúng ta thấy lịch sử Đội thiếu niên tiền phong vang lên với những âm thanh tha thiết, trong sáng và hào hùng của lớp tuổi thơ trong suốt nửa thế kỷ qua. Có người đã ví nhạc sĩ Phong Nhã là một người viết biên niên sử Đội bằng âm nhạc.

Ít ai biết rằng, nhạc sĩ Phong Nhã, tác giả của hàng trăm ca khúc viết cho thiếu nhi ấy chưa hề được học một cách bài bản về âm nhạc. Cha ông là người đầu tiên dạy cho ông những bài học vỡ lòng vê ìlĩnh vực này. Lớn lên chút, ông tự học thổi sáo từ ông già mù bán lạc rang. Sự thông minh và nhạy cảm bẩm sinh đã giúp cho Phong Nhã học rất nhanh. Ông chơi thành thạo đàn măng đô lin và sáo trúc.

Và có một điều đặc biệt là hầu hết các sáng tác của ông đều được sáng tác trên hai loại nhạc cụ này chứ không phải là piano như mọi người thường nghĩ. Dù là anh phụ trách đội hay sau này là Tổng biên tập đầu tiên của báo Thiếu niên Nhi đồng, nhạc sĩ Phong Nhã vẫn luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho các em. "Mười ba năm làm báo với cương vị Tổng biên tập, tôi luôn đi theo chương châm mà nhà văn Tô Hoài gợi ý: viết ngắn và phải có chuyện. Từ chuyện người thật việc thật, truyện lịch sử và tới sau này là truyện tranh" - nhạc sĩ Phong Nhã tâm sự.

Khi chúng tôi hỏi rằng đâu là bí quyết để ông sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi như vậy, mà mỗi ca khúc đều ấn tượng và có một vị trí riêng trong lòng khán giả mấy chục năm qua, nhạc sĩ Phong Nhã khiêm tốn: "Tôi không nghĩ mình có tài năng gì đặc biệt cả mà có lẽ vì cuộc đời tôi đều được làm những công việc gắn bó với các cháu thiếu nhi nên hiểu được tâm tư, tình cảm của các cháu. Từ xuất phát điểm là anh phụ trách đội, luôn vui như trẻ em, hồn nhiên như trẻ em, cùng làm, cùng học với các em thì mới thu hút các em vào phong trào được nên tôi có nhiều cảm hứng khi viết về thiếu nhi cũng là điều dễ hiểu".

Điều khiến nhạc sĩ Phong Nhã thấy hạnh phúc hơn tất cả chính là những sáng tác của ông ra đời hơn nửa thế kỷ qua vẫn được các em thiếu nhi hát vang trong mỗi gia đình, từ thế hệ cha mẹ, rồi tới con cái. Còn một niềm tự hào nữa mà nhạc sĩ Phong Nhã đã mang đến cho nền âm nhạc Việt Nam, đó là chính ông là người đi đầu cho phong trào viết nhạc thiếu nhi. Trước đó, rất ít nhạc sĩ viết tác phẩm cho lứa tuổi này. Sự tiên phong của nhạc sĩ Phong Nhã đã góp phần khơi thông dòng chảy để sau đó chúng ta có một loạt nhạc sĩ của dòng nhạc thiếu nhi như Hoàng Lân, Hoàng Long, Hàn Ngọc Bích…

Ở tuổi ngoài 90 nhưng nhạc sĩ Phong Nhã vẫn giữ được cho mình một trí tuệ minh mẫn, một tinh thần trẻ trung, cởi mở. Hỏi đâu là bí quyết, ông chân thành: "Bản thân tôi cũng không nghĩ mình sống được tới tuổi này đâu, qua 70, qua 80, rồi bây giờ là qua 90 tuổi, đến tôi cũng bất ngờ. Ngoài đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng, một cách giúp tôi đỡ bị quên đó là đọc sách báo, xem tivi hàng ngày". Nhưng có lẽ chính tình yêu, niềm tin, niềm hy vọng ông dành trọn cho tuổi thơ đã giúp người nhạc sĩ luôn lạc quan và vui sống mỗi ngày.

Thảo Duyên/vnca.cand.com.vn

"Phố Sách cuối tuần" góp phần nâng cao văn hóa đọc

“Phố Sách cuối tuần” là một sáng kiến, chương trình mới nhằm phát huy hiệu quả không gian văn hóa đọc tại Phố sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc của Hà Nội.

Giới trẻ nên đọc sách như thế nào?

Nhiều gợi ý hay về việc đọc sách, văn hóa đọc của giới trẻ đã được chia sẻ tại chương trình giao lưu trong khuôn khổ “Phiên chợ Khuyến đọc” tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách làm rõ vai trò của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử

Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn và phát hành giúp công chúng hiểu rõ hơn vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ, những đóng góp của ông với các triều đại Đinh, Tiền Lê và giai đoạn đầu thời Lý.

Thị trường sách nói còn nhiều khó khăn

Thị trường sách nói ở Việt Nam đã từng bước phát triển, song vẫn còn không ít khó khăn, cần sớm được khắc phục để có thêm kênh lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trưng bày sách góp phần phát triển văn hóa đọc và tình đoàn kết Việt - Lào

Chương trình Trưng bày, giới thiệu sách nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào (1962 - 2022) được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ngày 24/12 tại TP.HCM.

Xây dựng nhiều đầu sách khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường

Định hướng đến năm 2025 sẽ xây dựng nhiều đầu sách, bộ sách giá trị khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá, vươn lên trở thành nước phát triển.

Đưa thư viện 1.000 cuốn sách và không gian sách 4.0 đến điểm trường vùng cao

Công trình “Thư viện 1000 cuốn sách và không gian sách 4.0” là dự án được xây dựng để duy trì, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thúc đẩy việc tiếp cận tri thức cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Những cuốn sách truyền cảm hứng sống tích cực cho giới trẻ

Bộ ấn phẩm Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII gồm những cuốn sách lan tỏa và truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là cho các Đoàn viên, thanh niên, học sinh.

“Cẩm nang” về công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân

Lễ giới thiệu cuốn sách “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” vừa diễn ra sáng 8/12 tại Hà Nội.

Lan tỏa văn hóa đọc qua cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến

165 giải thưởng đã được vinh danh tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 có chủ đề "Sách và Khát vọng cống hiến" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 1/12 ở Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !