Vai trò của già làng, người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước
Ngày 5/10, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của già làng và người có uy tín trong phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước”.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các sở ban ngành, phòng dân tộc các huyện và đông đảo nhà khoa học. Đề tài của hội thảo khoa học này do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Giảm viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và ông Huỳnh Thanh, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước làm chủ nhiệm.
Vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng quan trọng (Ảnh: Trang thông tin điện tử Tỉnh uỷ Bình Phước). |
Đề tài gồm có 13 báo cáo chuyên đề, bên cạnh việc nêu bật tầm quan trọng của vai trò già làng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nội dung các báo cáo còn góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán, bản sắc dân tộc, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Sau khi ban chủ nhiệm báo cáo nội dung và kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài, các đại biểu và nhà khoa học đã có những ý kiến đóng góp, phản biện. Các đại biểu và nhà khoa học cho rằng ban chủ nhiệm đề tài cần đi sâu phân tích khái niệm già làng, người có uy tín. Nêu lên sự khác biệt giữa già làng, người có uy tín ở Bình Phước với các khu vực miền núi khác như Tây Nguyên và Tây Bắc.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho rằng đề tài cần xây dựng mô hình chức danh già làng, người có uy tín dựa trên những tiêu chí về học vấn, độ tuổi, phẩm chất chính trị… Nên mở lớp đào tạo cho già làng, người có uy tín để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Để đề tài có tính thuyết phục cũng như khoa học, theo các đại biểu, ban chủ nhiệm đề tài cần bổ sung thêm những gương già làng, người có uy tín tiêu biểu. Đi sâu nghiên cứu các phong tục tập quán, lễ hội, bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số.