'Số phận' 3 vắc xin nội phòng Covid-19 hiện ra sao?
Đầu tiên là ứng viên vắc xin Nanocovax. Hiện vắc xin này đã tiến hành đánh giá 3 giai đoạn, đang hoàn thiện báo cáo kết quả giữa kỳ giai đoạn 3, tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo đề cương nghiên cứu đến tháng 02/2023.
Trước đó, Việt Nam bước vào cuộc chạy đua sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19 từ khá sớm với quyết tâm sẽ có được vắc xin "Made in Vietnam" đầu tiên vào cuối tháng 9/2021.
Để thực hiện mục tiêu này, từ khoảng tháng 5/2020 hai loại vắc xin trong đó có Nanocovax được Bộ KH-CN phê duyệt "danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch Covid-19".
Nanocovax của Công ty Nanogen. Tưởng rằng sau phiên họp ngày 18/9/2021 của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Nanocovax được Bộ Y tế phê duyệt cấp phép khẩn cấp nhưng đến giờ, vắc xin này vẫn giậm chân tại chỗ.
Mục tiêu sản xuất 10 triệu liều/tháng, dự kiến đến tháng 1/2022 công suất sẽ được nâng cấp lên, đạt khoảng 30 triệu liều/tháng của Công ty Nanogen vẫn chưa trở thành hiện thực.
Đặc biệt, tháng 6/2021 vì quá sốt ruột, Nanogen có công văn gửi Thủ tướng xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện vắc xin Nanocovax, với giá bán chỉ khoảng 120.000 đồng/liều nhưng kiến nghị này được Bộ Y tế đánh giá là "nóng vội".
Ứng viên vắc xin COVIVAC: Đã tiến hành đánh giá qua 2 giai đoạn và đang tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, các đơn vị liên quan, triển khai các hoạt động nghiên cứu tiếp theo.
Cùng với Nanocovax, Covivac được Bộ KH-CN phê duyệt "danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch Covid-19" từ khoảng tháng 5/2020.
Covivac - sản phẩm của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang trước đó cũng có rơi vào tình cảnh bế tắc không kém Nanocovax khi bị tắc ngay sau khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Lý do thời điểm tắc là không tìm đâu ra người chưa tiêm chủng để mời tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a và 3b, trong khi bình thường khâu này sẽ diễn ra vào tháng 12/2021 nhưng thời điểm đó hầu hết người dân đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi.
Ứng viên vắc xin ARCT-154: Đã tiến hành đánh giá qua 3 giai đoạn và đang tiến hành xem xét, cấp phép lưu hành vắc xin ARCT-154 theo quy định. Các tổ chức nhận thử và nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 3 theo đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Vắc xin Arct-154, vắc xin mRNA do một công ty Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ.
Cũng liên quan đến tình hình dịch Covid-19, đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%).
Trong tháng 10 cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với tháng trước; 15 ca tử vong (giảm 16 ca).
Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng. Mới nhất là biến thể phụ BA.2.75 được Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận sơ bộ bước đầu có 24/93 mẫu nhiễm biến thể này.
Tháng 7 năm 2022, bộ 3 biến thể phụ (BA.2.74, BA.2.75 và BA2.76) xuất hiện tại Ấn Độ.
Cho đến nay, WHO tiếp tục khuyến cáo các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi rút SARS-CoV-2 . Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.
Tính đến hết ngày 2/11/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được 262.147.864 liều vắc xin phòng Covid-19.
N. Huyền