Uống nhầm thuốc chống loạn thần, bé 6 tuổi hôn mê, phải rửa dạ dày 2 lần
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí mới tiếp nhận một bệnh nhi nhập viện nghi do ngộ độc thuốc Levomepromazin (thuốc chống loạn thần).
Một bệnh nhi phải cấp cứu do uống nhầm thuốc chống loạn thần tại BV Nhi Trung ương (ảnh minh hoạ) |
Bệnh nhi là Nguyễn Văn T. 6 tuổi trú tại Bình Dương – Đông Triều. Mẹ bệnh nhi cho biết thấy trẻ cầm lọ thuốc Levomepromazin, uống nhầm 9 viên thuốc, không rõ thời gian uống.
Sau đó trẻ có biểu hiện ngủ nhiều, ngủ lì bì nên đã đưa trẻ đến Trung tâm y tế Thị xã Đông Triều. Tại đây trẻ đã được rửa dạ dày và chuyển đến viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Tại bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, bé T. vẫn trong trạng thái lơ mơ, đồng tử co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, gọi hỏi không biết. Các bác sĩ tiếp tục tiến hành rửa dạ dày, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, đặt sonde tiểu. Trẻ được điều trị, chăm sóc tích cực.
Hiện sau 4 ngày điều trị trẻ đã tỉnh táo hơn và đang được tiếp tục theo dõi tại Đơn vị hồi sức cấp cứu thuộc Khoa Nhi.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ bị ngộ độc do uống nhầm thuốc điều trị rối loạn thần kinh. Trước đó, vào năm 2019, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận ba cháu bé (Mỹ Đức, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê vì uống nhầm thuốc điều trị các bệnh rối loạn thần kinh của bố.
Nguyên nhân được người mẹ lý giải gần trưa, khi đang chơi với nhau, các cháu có lấy lọ thuốc điều trị thần kinh của bố để trong hộp xốp, tưởng là kẹo nên ba cháu đã cùng nhau ăn. Sau đó, đến chiều, ba cháu đều ngủ lịm đi không biết gì. Khi chị đi làm về phát hiện, đã đưa các cháu đi viện ngay.
Ths, BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, do cơ thể trẻ em còn nhỏ, hệ thần kinh và các bộ phận khác của các cháu còn đang phát triển, chưa hoàn thiện.
Vì vậy, việc uống nhầm thuốc của người lớn, nhất là thuốc thần kinh có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh rất nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ, uống nhầm thuốc là một tình trạng thường gặp ở khoa Cấp cứu - chống độc. Tất cả các loại thuốc người lớn sử dụng được không phải là phù hợp với trẻ em, các loại thuốc đó có thể ảnh hưởng đến trẻ em từ mức độ nhẹ đến nặng. Đặc biệt, khi các cháu uống nhầm thuốc thần kinh của người lớn có thể gây ra tình trạng hôn mê sâu, thay đổi ý thức, nếu không được phát hiện sớm thì hậu quả rất nặng nề.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương không chỉ tiếp nhận nhiều trẻ uống nhầm thuốc điều trị bệnh của người lớn mà còn nhiều trường hợp uống nhầm hóa chất. Đã có những bệnh nhi để lại di chứng nặng do bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh.
Việc trẻ dễ dàng tiếp cận được thuốc và hóa chất đang là vấn đề đáng báo động. BS Vinh cảnh báo, gia đình cần để thuốc ngoài tầm với của trẻ, không để lẫn chai lọ hóa chất với chai nước uống. Những người sử dụng thuốc thần kinh đều phải được giám sát, cần quản lý tốt các loại thuốc, để tránh xa tầm tay trẻ em, nên có những tủ riêng, thậm chí phải có khóa. Bởi chỉ cần một chút thiếu cẩn trọng, trẻ em có thể sẽ phải đối mặt với tử thần.
Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ (còn được gọi là thuốc chống loạn thần “điển hình”) đã có từ giữa những năm 1950.
Thuốc thế hệ mới hơn (được gọi là thuốc chống loạn thần “không điển hình”) được phát triển vào những năm 1990.
Các thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh trong não.
Huyền Ngô