Ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững ngành nông nghiệp
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất để phát triển hiệu quả, bền vững.
Tỉnh Điện Biên đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản.Ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật, hội thảo, tập huấn; tổ chức các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Mắc ca là loại cây trồng hạn chế xói mòn rửa trôi, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, hạt mắc ca có giá trị kinh tế cao. Ðây là loại cây có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững ngành nông nghiệp |
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai 2 mô hình “Trồng thâm canh cây mắc ca’’ tại xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ), quy mô 30ha (15ha/mô hình) với 30 hộ nông dân tham gia. Mục tiêu của dự án nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn các xã vùng khó.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng nâng cao mối liên hệ giữa cán bộ kỹ thuật và người dân, giúp người dân từng bước nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất. Ứng dụng khoa học kỹ thuật đã góp phần thay đổi tập quán trồng trọt và chăn nuôi truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật cho những hộ dân tham gia. Từ đó, từng bước nhân rộng hiệu quả của mô hình ra toàn địa bàn, góp phần tăng số lượng vật nuôi địa phương, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn.
Khánh Chi