UNFPA hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến mại dâm
Phát biểu Khai mạc Lễ khởi động Dự án, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Hồng Lan cho biết: Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan. Có thể coi đây là hành lang pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành của Việt Nam triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn công tác bình đẳng giới trong thời gian tới.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phiên họp đã được truyền hình trực tiếp tới toàn thể nhân dân. Điều này khẳng định Bình đẳng giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức lễ khởi động dự án Hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, bạo lực gia đình và giải quyết vấn đề liên quan đến mại dâm dựa trên bằng chứng và tiếp cận quyền con người”. |
Với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, lĩnh vực bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi cần có những giải pháp cách thức triển khai hiệu quả hơn. Phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân chủ yếu của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới/ Bạo lực gia đình. Trên thế giới, cách tiếp cận hướng tới thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai được xem xét như là “nhân tố của sự thay đổi” đã khẳng định được thành công trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ.Do vậy mô hình cần được nghiên cứu, xây dựng và triển khai rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Lễ khởi động, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của UNFPA đối với Bộ LĐ-TBXH nói chung và đối với lĩnh vực Bình đẳng giới nói riêng. Thứ trưởng tin tưởng thông qua dự án này, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA, việc thực hiện hiệu quả các chương trình, hoạt động sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chương trình, chiến lược về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới/ bạo lực gia đình, vấn đề mại dâm và các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác và cam kết của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc phối hợp và triển khai các hoạt động liên ngành nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam trong thời gian qua. Bà hy vọng dự án sẽ dựa trên những bằng chứng và kết quả đã đạt được từ giai đoạn trước để tiếp tục giải quyết những thách thức phía trước trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, bạo lực gia đình, hướng tới một đất nước Việt Nam thịnh vượng, bền vững và an toàn cho tất cả mọi người.
Đây cũng là Dự án giúp nâng cao hơn nữa vai trò điều phối của Bộ Bộ Lao động – Thương binh và xã hội với các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới và bạo lực gia đình.
Với tổng ngân sách là 4,1 triệu USD cho giai đoạn 5 năm từ 2017 – 2021, trong đó 3,7 triệu USD do UNFPA tài trợ, Dự án sẽ tập trung vào 4 nhóm mục tiêu chính bao gồm: Hỗ trợ việc cung cấp bằng chứng để vận động xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, các chính sách, chương trình về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới/bạo lực gia đình.
Nâng cao năng lực điều phối và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, các tổ chức liên quan về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới/bạo lực gia đình. Vận động sự thay đổi nhận thức và hành vi của những nhà hoạch định chính sách và cộng đồng, đặc biệt là nam giới về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. Hỗ trợ việc sử dụng bằng chứng và lồng ghép tiếp cận dựa trên quyền trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, chính sách và chương trình liên quan đến vấn đề mại dâm.