Ukraine nhận lô tên lửa phòng không mới, cục diện chiến sự có thể thay đổi
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov thông báo trên Twitter hôm 7/11 rằng các hệ thống phòng không do Mỹ - Na Uy và Italy sản xuất sẽ “tăng cường đáng kể sức mạnh” cho quân đội Ukraine.
RT đưa tin, ông Reznikov nhấn mạnh các hệ thống phòng không mới của phương Tây đã được đưa tới Ukraine, và sẽ tăng cường năng lực quân sự chống lại Nga cho quân đội Ukraine.
Theo đó, ông Reznikov đã cho đăng tải hình ảnh các hệ thống phòng không NASAMS và Aspide, đồng thời gửi lời cảm ơn tới Na Uy, Tây Ban Nha và Mỹ.
Trên Twitter, ông Reznikov khẳng định các loại vũ khí mới nhận sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh cho quân đội Ukraine và “bảo vệ bầu trời tốt hơn”.
NASAMS là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn tới trung do tập đoàn Raytheon của Mỹ và Kongsberg của Na Uy cùng phát triển. Trước đây, Lầu Năm Góc đã hứa sẽ chuyển giao hệ thống phòng không này cho Ukraine.
Hồi tuần trước, quân đội Mỹ cũng cho hay 2 trong số 8 hệ thống NASAMS được hứa chuyển giao cho Kiev sẽ sớm có mặt ở Ukraine “trong tương lai rất gần”.
Trong khi đó, hệ thống Aspide tầm trung do công ty Selenia của Italy thiết kế. Vào những năm 1980, Tây Ban Nha đã mua hàng trăm tên lửa Aspide. Vào tuần trước, Tây Ban Nha thông báo đưa một số tên lửa Aspide vào gói hỗ trợ quân sự mới nhất cho Ukraine.
Kiev đã nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển giao các hệ thống phòng không, sau khi quân đội Nga thực hiện không kích thường xuyên vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Ukraine trong tháng trước.
Moscow giải thích việc thay đổi chiến thuật không kích là màn trả đũa trước hành vi phá hoại của Ukraine nhằm vào các cơ sở dân sinh chủ chốt ở Nga bao gồm cầu Crimea.
Những cuộc tấn công của Nga đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống năng lượng của Ukraine, buộc các nhà cung cấp điện ở Ukraine phải cho cắt điện luân phiên trong ngày.
Hôm 6/11, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết hơn 4,5 triệu khách hàng sử dụng điện trên cả nước đã bị ảnh hưởng vì tình trạng mất điện thường xuyên.
Còn theo thông tin được tờ Wall Street Journal hé lộ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tiến hành hoạt động liên lạc sau cánh gà với giới chức cấp cao Nga nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự ở Ukraine mở rộng thêm.
Theo giới quan chức Mỹ, ông Sullivan vẫn giữ liên lạc với ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và ông Nikolay Patrushev, người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga.
Mục tiêu của các cuộc đối thoại là “ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng, và tiếp tục mở các kênh liên lạc”, thay vì thảo luận về hiệp ước hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, theo Wall Street Journal.
Tuy nhiên, các nguồn tin từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về thời gian diễn ra, cũng như kết quả của các cuộc đối thoại bí mật của ông Sullivan với giới chức cấp cao Nga.
Giới chức Mỹ cho hay ông Sullivan vẫn muốn thiết lập các kênh liên lạc với Nga. Điều này trái với suy nghĩ của các quan chức cấp cao khác trong Nhà Trắng, bởi họ cho rằng đối thoại với Moscow sẽ không mang lại kết quả trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo Wall Street Journal, ông Sullivan không chỉ giữ vai trò hàng đầu trong việc phối hợp các chính sách của Washington liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, mà ông này còn đang tham gia vào những nỗ lực ngoại giao như thực hiện chuyến thăm tới Kiev hồi tuần trước để gặp Tổng thống Zelensky.
Hồi cuối tháng Chín, ông Sullivan cho hay Mỹ cảnh báo ở “mức cực cao” đối với nhà lãnh đạo Nga về việc Moscow sẽ đối mặt với “hậu quả thảm khốc” nếu sử dụng các loại vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Tuyên bố của ông Sullivan được đưa ra sau khi Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ sử dụng “tất cả thiết bị sẵn có” để bảo vệ người dân và lãnh thổ. Mỹ và các nước đồng minh NATO cho rằng tuyên bố của Tổng thống Putin là lời đe dọa cho việc triển khai vũ khí hạt nhân. Song giới chức cấp cao Nga khẳng định Moscow không dùng kho hạt nhân để đe dọa bất cứ ai.
Minh Thu (lược dịch)